Hai bát mì bò (Đọc và cùng suy ngẫm)

Unknown | 10:16 | 0 nhận xét

 Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.


Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn,thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy. Tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình.

Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện.

Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết.“Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi,bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên,ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức,bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc,bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.

Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng.

Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.

Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người.

Cuộc đời là thế đấy...

(Sưu tầm)

Truyện ngắn: Đám cưới người yêu cũ..

Unknown | 00:19 | 0 nhận xét


‘Anh sắp kết hôn rồi. Hôm đó em đến nhé!’, lời nói nhẹ nhàng như gió thoảng, em mơ hồ cảm nhận sự nuối tiếc, nỗi đau đang ngấm dần vào trái tim mình.

Ngày xưa, chúng ta đã cùng nhau xây dựng ước mơ về ngôi nhà hạnh phúc. Ước mơ bắt đầu từ màu trắng của áo cô dâu em mặc, anh làm chú rể đi bên, đón nhận lời chúc phúc từ mọi người. Chỉ tiếc là khi em thức tỉnh, chúng mình đã xa nhau…


“Đám cưới anh, em sẽ ném một viên gạch thật lớn vào hôn lễ, đúng lúc anh trao nhẫn cho cô dâu”, ý tưởng này xuất phát từ một clip ca nhạc em từng xem. Nhưng, viên gạch ném đi, lỡ ai đó bị thương, chắc chắn lương tâm em không phút nào yên ổn, lỡ làm anh bị thương, em sẽ thấy trái tim mình nhỏ máu. Viên gạch vô tình rơi vào cô gái đang mỉm cười trong khăn voan trắng kia, em có thấy nhẹ nhàng hơn không? Cô ấy cũng như em, cũng yêu anh bằng cả tâm hồn mình, chỉ có điều, cô ấy là người cùng anh đi đến suốt cuộc đời, còn em thì không thể.

Hay là em sẽ trang điểm thật xinh, ăn mặc thật đẹp, nở nụ cười thật tươi đến chúc phúc cho anh? Em sẽ bình thản như một người bạn, như một người chưa từng có những kỷ niệm ngọt ngào cùng anh, như một người chưa từng vì anh mà khóc âm thầm trong bao nhiêu đêm không ngủ. Em thích ý tưởng này nhất. Nhưng cảm xúc luôn phản bội lại em. Em sợ bắt gặp sự quan tâm trong mắt anh khi anh nhìn cô dâu, em sợ bắt gặp nụ cười hạnh phúc của hai người, thế nào em cũng khóc.

Em không phải là người có thể che giấu được cảm xúc thật của mình. Giữa lúc mọi người đang cười nói, em lại ngồi khóc” hu…hu…”, mascara nhem nhuốc như con gấu trúc, có lẽ anh sẽ phiền lòng. Em nhớ đến một câu hát trong Mộng uyên ương hồ điệp “Xưa nay chỉ thấy người nay cười, có ai thấy người xưa khóc đâu”, hoặc giả, mọi người đều muốn nhìn thấy nụ cười cô dâu, có ai muốn phải nhìn thấy những giọt nước mắt của “người yêu cũ” của chú rể.

Đám cưới anh, em sẽ đến cùng người con trai đang theo đuổi mình, để có ai đó sánh vai đi bên em, để những người bạn chung của chúng ta (lúc này phải nói là những người bạn chung của anh và em, anh nhỉ?) không phải nhìn em với con mắt cảm thông, ái ngại. Nhưng, em lại không thể để cho sự ích kỷ và hiếu thắng của bản thân làm tổn thương một người luôn quan tâm đến em, luôn ở bên em, đưa khăn giấy cho em những khi em khóc vì anh.

Đám cưới anh, em sẽ uống rượu thật nhiều bởi em không thể phớt lờ sự quan tâm thái quá của những người bạn từng biết về mối quan hệ của anh và em, bởi em không thể không nhìn thấy nụ cười viên mãn của cô dâu và ánh mắt rạng ngời của chú rể. Nhưng khi anh đi, em đã tự hứa với lòng mình phải luôn mạnh mẽ. Em đã học được bài học cần yêu thương chính mình trước khi đòi hỏi sự quan tâm và yêu thương từ người khác. Anh vẫn nói: “Anh muốn luôn nhìn thấy em như ngày đầu chúng mình gặp gỡ, dịu dàng và cứng cỏi, bình yên và sâu lắng”.

Thực ra em vẫn chỉ là một con bé nhát gan, một con bé đôi khi chẳng dám đối đầu với sự thật. Khi vết thương trong trái tim còn chưa thành sẹo, em chọn giải pháp an toàn là không nhìn, không thấy, không biết.

Đám cưới anh, em không trang điểm thật xinh, không uống rượu, không gây gổ cũng không im lặng bởi em ở nhà, bận rộn với những việc chẳng đáng bận rộn cho qua một ngày. Dù sao, em từng mơ giấc mơ làm cô dâu, đi bên anh trong một ngày nhiều nắng như hôm nay…

(Sưu tầm trên facebook)

Truyện ngắn: Em thích chị đấy

Unknown | 00:15 | 0 nhận xét
***
00:45

- Chị à, chị ngủ chưa?

- Chị học một chút nữa mới ngủ. Còn em học xong rồi sao không ngủ đi, khuya rồi đấy.

- Em chờ chị, một chút nữa thôi mà.

- Ngủ đi, chị là đang ôn thi nên mới thức muộn thế,ngủ mai dậy sớm đi học.

Hoàng không nhắn tin lại nữa,Vy nói là một chút nữa ngủ nhưng cũng đến gần 3h sáng. Gấp sách vở lại thì điện thoại rung lên, là Hoàng.



- Em làm gì mà mãi chưa ngủ thế hả ?

- Thì bây giờ em ngủ .Hihi,chị học xong rồi đúng không ?

- Sao em biết ?

- Linh cảm..^^ Chị thức khuya thế da xấu chả ai thèm yêu đâu.

- Ngủ đi,chị mệt rồi,chị ngủ đây.

- Chị yêu ngủ ngon nhé ! Em cũng ngủ cùng chị. Hehe.

Tối nào cũng thế, Hoàng luôn chờ Vy đến tận khuya, có lúc cả đêm không thèm ngủ, nhiều lúc Vy tự hỏi tại sao Hoàng biết Vy chưa ngủ mà gọi, cái linh cảm mà Hoàng nói có thật hay không nhưng hình như từ lúc biết Hoàng thì chưa bao giờ Hoàng đi ngủ trước Vy.

Vy là bí thư lớp, là Đoàn viên năng nổ trong trường,Vy gặp Hoàng trong một lần Hoàng tham gia đánh nhau trong trường,Hoàng học dưới Vy 2 khóa. Lần đó,mọi người sau khi can ngăn được vụ đánh nhau đã là rất muộn rồi,Vy ra về lúc trường chẳng còn mấy bóng người. Tình cờ Vy thấy Hoàng ngồi một góc ở chân cầu thang,mặt mũi trầy xước,máu chảy bên môi. Vy bảo Hoàng về nhà vì trời đã tối rồi,trường cũng sắp khóa cổng,thế mà Hoàng chỉ im lặng,không thèm nhìn Vy lấy một lần. Bước được mấy bước Vy quay lại,ngồi cạnh Hoàng,vì thường xuyên chứng kiến những cảnh đánh nhau trong trường nên Vy có thói quen luôn bỏ một ít thuốc và bông băng theo mình. Định sẽ băng vết thương cho Hoàng nhưng lúc tay Vy chưa kịp đưa lên mặt Hoàng đã bị Hoàng gạt đi. Không hiểu lúc đó Vy nghĩ gì mà lại véo má Hoàng một cái rồi bảo ngồi yên. Cậu nhóc quay sang nhìn Vy bằng ánh mắt khó hiểu nhưng cuối cũng cũng chịu ngồi yên cho Vy băng vết thương.

Lúc Vy đứng lên để đi về,bảo Hoàng lấy xe về cũng thì Hoàng tự nhiên níu lấy ống tay áo Vy,gần như thút thít

- Không có xe,cho về cùng đi.

Trời đất,con người sao có thể thay đổi bộ mặt nhanh vậy chứ,Vy nghĩ thầm. Cuối cùng Vy đành phải chở Hoàng về .

Lúc về đến cổng nhà, Hoàng bắt Vy đứng đợi, lúc Hoàng chạy vào nhà,Vy tự cười mình, tự nhiên lại nghe lời tên nhóc đó đứng đợi,vậy là Vy đạp xe về luôn. Đi được một đoạn thì thấy tiếng xe máy đi sát mình, Vy ngoảnh lại thì thấy Hoàng đang đi theo,Vy cũng không thèm nói gì,đi thẳng,Hoàng cũng chẳng vượt lên đi cùng Vy,chỉ đi đằng sau cho đến lúc Vy về nhà mới chịu quay đầu xe.

Sáng hôm sau, Vy vừa bước ra khỏi cửa thì đã thấy Hoàng đứng dựa bên tường nhà Vy,thấy Vy bước ra cũng không cười không nói,lại còn đi cùng với cái xe đạp y hệt của Vy. Vy hắng giọng :

- Em làm trò gì ở đây vậy,dậy sớm quá ha,cũng rất rảnh rỗi.

Hoàng không đáp lời Vy,chỉ lặng lẽ đi theo. Cứ như vậy,sáng nào cũng đợi Vy trước cổng nhà,trưa về đợi ở cổng trường, Hoàng cứ theo Vy không nói năng gì. Đến ngày thứ bảy,không chịu nổi nữa,Vy quát :

- Cậu đừng có đi theo tôi như thế nữa,tôi đâu phải tội phạm,với lại,cậu không có mồm để nói mỗi lúc tôi hỏi sao? Tôi bực mình rồi đấy,thật là phiền phức.

- Chị.

Nghe thấy Hoàng gọi chị, Vy hơi giật mình,nhưng vì không còn gì để nói nên Vy im lặng bỏ đi.Tiếng Hoàng nói với theo.

- Chị,em thích chị.

Tự nhiên Vy bật cười thành tiếng rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo.

- Thì sao?

- Em sẽ bảo vệ chị,thế thôi.

- Tôi không cần,cậu về đi.

- Cần hay không là việc của chị,có làm hay không là việc của em.

- Nhưng cậu có thể thoải mái khi người khác thấy phiền được à? Rõ là trẻ con.

- Em không trẻ con,chị chỉ đứng đến vai em thôi,hơn nữa,em sẽ khiến chị không thấy phiền.

- Tùy, Vy lạnh lùng nói.

Thế mà Hoàng nói là làm thật,lại còn kiếm đâu ra số điện thoại của Vy,ngày ngày nhắn tin,gọi điện,nếu Vy không trả lời y như rằng sau đó sẽ có người chờ Vy mãi ngoài cổng đến lúc được nói chuyện với Vy thì thôi. Vy cảm thấy như mình đang làm ơn mắc oán,nhiều lúc nghĩ giá như hôm đó bỏ mặc Hoàng ở trường thì đã không phiền phức như vậy . Nhưng Vy biết là Vy sẽ không bao giờ làm được điều đó,ánh mắt cô quạnh lúc ấy của Hoàng khiến Vy không nỡ rời đi.

Một thời gian rồi Vy cũng quen với sự hiện diện của Hoàng,thay vì lạnh lùng mặc kệ thì Vy đã khuyên Hoàng học hành và tránh xa bọn bạn không tốt. Hoàng nghe lời Vy,ngoan ngoãn như mèo con,chỉ riêng việc Vy bảo Hoàng đừng theo Vy nữa là Hoàng không bao giờ đồng ý. Hoàng nói với Vy là từ bé đến giờ ngoài bố mẹ và người giúp việc sống lâu năm trong nhà thì không ai tốt với Hoàng như Vy cả. Thật lạ,nghe cứ như phim với tiểu thuyết. Vy luôn nghĩ Hoàng là trẻ con nên chỉ cười, Vy không có em trai nên xem Hoàng như đứa em cần dạy bảo vậy.

Đi cùng với Hoàng thỉnh thoảng Vy cũng bắt gặp nhiều ánh nhìn không mấy thiện cảm của các nữ sinh khác,là các em khóa dưới,cũng đúng thôi,vẻ bề ngoài của Hoàng chắc cũng được ái mộ,nghĩ thế rồi Vy bật cười,mỗi lúc như vật Hoàng cứ hỏi lí do Vy cười nhưng Vy không nói,thế là cậu nhóc lại chu môi lên " Chị thật xấu".

Năm cuối cấp đối với Vy không phải là một gánh nặng,Vy học khá,nhưng nó cũng chiếm của Vy gần hết thời gian nghĩ ngơi,học nhiều đâm ra tâm trạng nhiều khi mệt mỏi,Vy hay gắt với Hoàng mỗi lúc Hoàng cứ bắt Vy ăn cái này,uống cái kia,làm sao cho tốt,cho đủ sức khỏe. Hoàng nói còn nhiều hơn cả bố mẹ Vy nữa. Những lúc như vậy Hoàng chỉ đẩy cho Vy hộp sữa dâu tằm Vy thích nhất và bảo Vy uống.

Trời mưa,Hoàng đòi đi chung ô với Vy,trời nắng,Hoàng đòi chở Vy đi học,biết không thể không chiều theo y Hoàng nên quen dần Vy cứ để Hoàng thích làm gì thì làm mà không cần quan tâm đến cái nhìn của những người xung quanh. Thỉnh thoảng lại có người hỏi Vy là có phải Vy đang yêu Hoàng phải không,Vy không biết nói gì chỉ cười và bảo là trẻ con như Hoàng thì ai yêu nổi. Nói vậy bởi trong lòng Vy từ lâu đã có hình bóng của người con trai khác, Hoàng biết điều đó vì mấy lần Vy đứng nhìn người ta mà ngẩn ngơ. Hoàng trêu Vy bảo Vy ngốc,bảo Khánh làm sao mà đẹp trai bằng Hoàng được,thế nhưng trong đôi mắt của cậu nhóc mỗi lúc như vậy lại gợn lên một chút buồn.

Chủ nhật,Khánh hẹn Vy ở thư viện để trao đổi về vấn đề của lớp,Vy có nói qua với Hoàng,Hoàng bảo chiều Hoàng bận nên sẽ không làm phiền Vy,Vy cứ đi cho thoải mái. Vy đến thư viện từ sớm,hát vu vơ,vào xem một ít tài liệu,nhưng chờ mãi chẳng thấy Khánh đâu,lúc đó Vy mới gọi cho Khánh thì Khánh bảo xin lỗi vì có việc đột xuất mà quên nói với Vy,bảo hẹn Vy hôm khác. Vy nói không sao nhưng trong lòng hụt hẫng,định sẽ ở lại thư viện một lúc để học bài rồi mới về nhưng đầu óc chẳng thể tập trung. Được một lúc thì Vy thấy Hoàng bước vào,đeo balo của Vy lên,lôi tay Vy đi ra khỏi thư viện:

- Em làm gì ở đây?

- Em đã bảo là anh ta không tốt bằng em mà,đi,chị với em đi chơi.

- Chị còn phải học,đừng nói vớ vẩn.

- Nhưng em muốn đi chơi,chị không đi cùng em thì em đành phải đi với mấy đứa bạn hư hỏng đấy.

Vy đành chiều theo ý Hoàng,nói là đi chơi nhưng mà Hoàng chỉ chở Vy đi loanh quanh khắp thành phố,chẳng nói chuyện được mấy câu,nhưng trong lòng Vy cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Mấy hôm nay Hoàng cứ bảo Vy về trước,Hoàng có việc phải ở lại trường,đến ngày thứ ba thì Vy bắt đầu thấy lạ. Thế là Vy đứng chờ Hoàng,quả thật là có chuyện gì đó đã xảy ra,Vy thấy Hoàng đi cùng mấy đứa bạn hồi trước cùng tham gia đánh nhau,sau đó có sự xuất hiện của Khánh nữa,hình như là đang muốn gây sự với Khánh.

Thấy vậy Vy vội chạy đến,Hoàng nhìn Vy,Khánh nhìn Vy,không ai nói một lời:

- Chuyện gì vậy Hoàng? Vy quát.

- Sao chị còn chưa về?

- Chị hỏi có chuyện gì?

- Về đi,em đưa chị về. Nói rồi Hoàng kéo tay Vy lôi đi. Đằng sau Vy rõ ràng có tiếng gây gổ,Vy quay lại,gạt tay Hoàng,chạy về phía Khánh,vào can ngăn thì bị đánh ngay vào vai. Thấy Vy ngã,Hoàng xông thẳng vào bọn bạn cũ của mình mà đấm đá túi bụi,liên tục hét : Sao mày dám…

Cho đến lúc nghe tiếng Vy khóc nức nở thì Hoàng mới chịu dừng lại,đỡ lấy Vy,còn Khánh đã đi về từ lúc nào. Hoàng bị thương không phải là ít,máu cứ chảy từ trán xuống hai thái dương,Vy cảm thấy như chính mình đau vậy.

- Chị,chị à,em xin lỗi.

- Về đi,chúng ta về.

Đến lúc này,Hoàng mới gọi người nhà đến đón,đưa Vy về rồi mới chịu vào bệnh viện. Tối đó Hoàng không nhắn tin cho Vy,Vy gọi thì người nhà bảo Hoàng chưa tỉnh. Vy không ngủ,không hề ngủ được,có cái gì đó nhói lên trong Vy. Sáng sớm, Vy xin nghỉ học vào thăm Hoàng,nhìn gương mặt nhợt nhạt đầy vết bầm tím,tự nhiên nước mắt Vy cứ chảy, Hoàng tỉnh dậy nhìn Vy :

- Chị à,em sai rồi,em xin lỗi chị.

- Thế lần sau..

- Không có lần sau nữa đâu,em nhất định bảo vệ chị,chị có đau lắm không ?

- Đau.

- Lại em xem.

Hoàng định ngồi dậy nhưng Vy không cho,Vy đặt tay lên ngực trái :

- Đau ở đây. Đừng bao giờ làm chị sợ như thế nữa.

- Chị thích em mất rồi phải không,Hoàng cười híp mắt trêu Vy.

- Trẻ con.

- Trẻ con cũng được,chị Vy yêu trẻ con nhất mà. ^^

- Không đùa… Mặt Vy tự nhiên ửng đỏ..ngập ngừng không biết nói gì.

- Mấy thằng đó bảo nếu em không xử Khánh cùng bọn nó thì sẽ tổn hại chị thế nên...

- Tại sao lại là em ?

- Vì bọn nó biết nếu có em thì nhà trường sẽ không làm khó khi chuyện bị lộ ra,bố em dù sao cũng thân thiết với hiệu trưởng,lần trước cũng thế.

Vy im lặng không nói gì.

- Em xin lỗi,chị đang ôn thi mà em lại như thế này,em hứa sẽ không khiến chị phiền nữa đâu.

- Ừ,phiền,phiền lắm,thế nên lo mà nghỉ ngơi rồi đi học cho ngoan ngoãn.

Sau khi Hoàng được ra viện cũng là lúc Vy lao vào học để kịp với hai kì thi quan trọng phía trước. Ngày Vy thi đại học,Hoàng thấp thỏm không yên nhưng chỉ dám gọi điện thoại lúc Vy đi thi về mà cũng không dám hỏi nhiều,khi Vy thi xong,nhìn thấy được nụ cười Vy lúc đó Hoàng mới toe toét rồi lại nhõng nhẽo đòi đi chơi.

Ngồi sau xe Hoàng,Vy lại hát vu vơ,quả thật cậu nhóc này đã khiến cho trái tim Vy trở nên ấm áp hơn rất nhiều. Vy đỗ đại học,điều đó cũng không khó để đoán ra. Trước khi Vy nhập học,Hoàng rủ rê Vy về trường. Hoàng dắt tay Vy về phía cầu thang lúc lần đầu tiên Vy nhìn thấy Hoàng. Hoàng véo má Vy,rồi bảo :

- Lúc đó em đau lắm chị biết không,nhưng mà lại cảm thấy như chị đang véo yêu vậy..=))

Vy bật cười,rõ ràng Hoàng lúc đó và bây giờ cũng chẳng có gì thay đổi. Vy bước lên từng bậc cầu thang,bỗng nhiên Hoàng giữ tay Vy lại :

-Vy,chờ em nhé,em sẽ luôn bảo vệ chị,chỉ cần chờ em 2 năm nữa thôi. Nói rồi Hoàng bước lên đứng cạnh Vy.

Vy kiễng chân lên,hôn nhẹ vào má Hoàng :

- Ngốc ạ,vẫn luôn chờ đó thôi.

Trong buổi chiều tà,bên hành lang lớp học,có một cậu nhóc nhìn người mình yêu thương,nở một nụ cười híp mắt và nắm tay người con gái ấy thật chặt..^^ !

(Sưu tầm)

Truyện ngắn: Chào em, người anh thương!

Unknown | 00:09 | 0 nhận xét

Chắc có lẽ đâu đó trong tâm tưởng em đã bắt chân mình bước đi.

Anh ổn với bất kì quyết định nào.
Anh đã không đủ ngọt ngào và đầy ắp so với quá khứ em.
Anh lại không đẹp đẽ và nên thơ như tương lai em chờ đón.
Người ta nói hiện tại là điều kì diệu vậy mà anh đứng đây giữa cuộc đời em lại thừa mất cái hiện tại đáng quý này.

Anh thật đau lòng nếu bây giờ em bước đi, anh không thể tự hàn gắn cuộc đời này.
Anh sẽ cúi xuống đây và khóc lén lút, anh không tưởng đến một kết thúc của chúng ta.
Anh thất vọng về bản thân khi đã không dành đủ nhiều thời gian cho người con gái anh quá dỗi yêu thương.
Anh chẳng biết cất nỗi đau này vào đâu cả, vì với anh cuộc sống đã mang màu của em, mang mùi và cả hơi thở em.

... nhưng ...

Anh vẫn sẽ để em đi, vẫn sẽ bảo rằng anh rất ổn.
Vẫn sẽ xé lòng cười tươi khi em bước đến bên một người khác.
Vẫn sẽ dằn nước mắt lướt qua nhanh nếu cái duyên còn quá nhiều để lại bắt gặp em đâu đó ở Sài Gòn này.
Những điều cũ kỹ thì người ta thường muốn cất giữ hơn là sử dụng và tận hưởng... và có lẽ anh đã cũ đủ trong một nấc xúc cảm nào đó của em.

Khi em đã không còn ôm chầm lầy anh mỗi buổi chiều thì đó là nỗi đau của riêng anh.
Khi em nhắn tin nhắn yêu thương cuối ngày không vào số điện thoại anh thì đó là nỗi đau của riêng anh.
Khi em đã không còn bắt đầu một niềm vui hay một nỗi buồn cùng anh thì đó là nỗi đau của riêng anh.
Khi em đã không còn muốn ngồi sau xe anh để đi đến những con đường vô định thì đó là nỗi đau của riêng anh.
Khi em đã không nghĩ về anh nhiều như anh nghĩ về em thì đó là nỗi đau của riêng anh.
Khi em đã không biết vui cùng nắng, buồn cùng mưa, dù gió kia nhạt màu em chẳng cần đến anh thì đó là nỗi đau của riêng anh.
Và khi em đã nắm lấy tay người khác-xiết chặt như là hứa cho tương lai thì đó là nỗi đau của riêng anh.

Em biết đấy, nếu anh ôm xiết em ngay lúc này em sẽ có thể ở lại nhưng rất đau.
Anh là người luôn mong em được sống cân bằng và hạnh phúc dù ở đâu hay với ai.
Cuộc đời trớ trêu bắt anh một lần nữa sắm vai người cao thượng.
Đường kia thênh thang, trái đất dù có xoay tròn cách mấy cũng khó có lần thứ hai ngồi lại để yêu cùng một người, thế nên câu chào cuối luôn là câu chào vĩnh biệt.



Anh sẽ chờ nắng nhạt màu để thay lòng yêu mưa nhưng em biêt không nắng thì chẳng bao giờ nhạt màu cả.
Sống mạnh mẽ em ạ, anh nhường em con đường phía trước và biết đâu rằng bến-bờ-em-yêu-thương-nhất-lại-là-nơi-em-vừa-đi-qua.

Iris Cao

Truyện ngắn: Chiếc giày phải bên trong cánh cửa

Unknown | 00:02 | 0 nhận xét

Đàn ông nếu biết kỹ quá khứ của vợ thì đau đầu lắm. Còn đàn bà, nếu biết hơi nhiều về hiện tại của chồng thì đau tim lắm.

18 giờ, chị gọi điện thoại đến Công ty của chồng, chú bảo vệ nói rằng: "sếp vừa đi ăn tối ở nhà hàng". Linh tính cho chị biết đó là... nhà nàng chứ không phải nhà hàng.

20 giờ, sau khi cho các con ăn xong, chị phi xe máy đến nhà nàng. Ô tô của sếp đang đỗ ở trong sân. Linh tính đã không đánh lừa chị. Có cái gì đó rất nóng, trào lên nơi cuống họng nhưng chị đã kịp nuốt khan nó
vào.
Không ấn chuông, không đập cửa, cũng không gào thét, chị cởi chiếc giày bên chân phải của mình, treo vào phía trong cánh cửa sắt rồi phóng xe về nhà, giúp các con ôn bài.
Gần 23 giờ đêm, sếp mới chỉnh trang lại y phục, chải lại mái tóc bị vò rối bù và ra về. Nàng ra mở cửa cho sếp trong bộ váy áo ngủ mỏng tang đầy quyến rũ và giật mình khi nhìn thấy một chiếc giày treo trong khung cửa sắt. “Sao lại có một chiếc giày ở đây? Một chiếc giày chân phải rất đẹp”. “Thôi, em vào ngủ đi. Cho dù đẹp nhưng một chiếc giày thì cũng chẳng làm được việc gì”.
Trên đường về nhà, sếp cứ nghĩ vẩn vơ về chiếc giày đó, nó là của ai? Và vì sao nó được treo ở đó?
Sếp đánh ô tô vào gara, mở cổng rất khẽ. Có một chiếc giày chân trái của phụ nữ đặt ngay ngắn trên bậc cửa. Sếp đứng như trời trồng trước chiếc giày đó chừng 2 phút. Sau đó sếp vào phòng ngủ riêng, vì sếp không muốn nghe vợ cằn nhằn, khóc lóc.

Nhưng sếp trằn trọc mãi không sao ngủ được. Sẽ có giông bão trong căn nhà này. Sẽ là nước mắt, tiếng la hét và một lá đơn ly hôn. Rồi hai đứa nhỏ sẽ chán đời, đi bụi và hư hỏng... Đó là tấn bi kịch đáng sợ nhất.
Nhưng sáng hôm sau mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Bát phở gầu bò thơm ngào ngạt vẫn được để ngay ngắn trên bàn cùng với mấy dòng chữ của vợ: “Em đưa các con đến trường. Anh ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay trời u ám nên anh phải mặc bộ vét màu sáng, thắt cà vạt màu sáng. Em đã là kỹ, treo trong tủ”.
Sếp gọi điện thoại cho nàng: “Chiếc giày chân phải kia là của vợ anh. Đừng vứt đi nhé”. Giọng nàng đầu dây bên kia nghe hơi hoảng hốt: “Trời ạ! Anh muốn làm sao thì làm chứ nếu chị ấy đến nhà em làm ầm lên thì em không sống nổi đâu. Chiều anh tạt qua lấy chiếc giày về”.

Nhiều ngày trôi qua mà giông bão không nổi lên, thái độ của vợ sếp vẫn bình thản, song một chiếc giày trên bậc cửa cứ nhắc sếp về sự lẻ loi và tội lỗi của một người. Rồi một buổi chiều, sếp lấy hết can đảm, lôi chiếc giày bên phải trong cốp xe ra, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái của vợ.
Chị đi làm về, đứng sững trước bậc cửa mấy giây rồi chạy vào, ôm ghì lấy chồng mà thì thầm: “Ôi! Chiếc giày chân phải của em!” Sếp cũng thì thầm bên tai vợ: “Anh xin lỗi em - nghìn lần xin lỗi!”.
Đàn ông nếu biết kỹ quá khứ của vợ thì đau đầu lắm. Còn đàn bà, nếu biết hơi nhiều về hiện tại của chồng thì đau tim lắm. Nhưng đã trót biết rồi mà ứng xử được như bà vợ của ông sếp kia thì thật là cao thủ.

(Sưu tầm từ facebook)

Làm thế nào để giao tiếp tốt hơn?

Unknown | 06:04 | 0 nhận xét

Giao tiếp là cách thức truyền đạt thông tin giữa những cá thế khác nhau trong cùng một xã hội. Tuy nhiên, giao tiếp không hề đơn giản, thay vào đó là một nghệ thuật đòi hỏi con người phải có những kĩ năng được trau dồi cẩn thận. Vậy những phương thức nào giúp chúng ta giao tiếp hiệu quả?
Trong giao tiếp, có nhiều con đường để truyền đạt thông tin:
- Giao tiếp bằng lời thông qua: âm thanh, ngôn ngữ.
- Giao tiếp phi ngôn ngữ: quá trình giao tiếp thông qua việc gửi và nhận thông tin không lời giữa con người. Thông tin có thể được truyền đạt thông qua cử chỉ và cảm ứng, ngôn ngữ cơ thể hoặc tư thế, biểu hiện trên khuôn mặt và tiếp xúc bằng mắt . Thêm vào đó, giao tiếp phi ngôn ngữ cũng bao gồm việc truyền đạt thông tin qua hình ảnh và viết văn bản.
Dù là ở phương thức truyền đạt thông tin nào, con người cũng phải tìm hiểu, lựa chọn cách truyền đạt ý nghĩ, cảm xúc, mục đích lời nói một cách chính xác, mang lại lợi ích. Vì vậy, đối với những ai gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc muốn bồi đắp thêm kĩ năng, chúng ta có thể tham khảo một số biện pháp giúp giao tiếp hiệu quả sau:
1.Tạo môi trường phù hợp
- Chọn thời điểm thích hợp
Thời điểm để truyền đạt thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc người nghe có tiếp nhận hay không, và đồng thời đánh giá tính hiệu quả trong trong những thông tin bạn cung cấp. Cụ thể, bạn không thể  bàn luận bản báo cáo, tin tức tài chính, hay số liệu chứng khoán trong khi người nghe đang hoàn toàn mệt mỏi, cần sự nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Hoặc dễ hiểu hơn, chúng ta không thể đòi hỏi những yêu cầu cho bản thân khi người tiếp nhận thông tin đang trong tình trạng bức bối, khó chịu.
- Chọn địa điểm phù hợp
Yếu tố lựa chọn địa điểm để truyền tải thông tin chiếm phần trăm không nhỏ trong sự thành công của người nói. Có một số vấn đề, bạn không thể nói cho người nghe tại nơi công cộng đông người, mà nên nói ở những nơi riêng tư để thuận tiện cho quá trình đối thoại hai chiều diễn ra thuận lợi. Ví dụ khi bạn đuổi việc nhân viên, thông báo những tin tức xấu trong đó người nghe bị ảnh hưởng hoặc bạn chia tay người yêu , v.v.  Điều này thể hiện sự tôn trọng của bạn khi truyền tải thông tin, giúp bạn tránh gây tổn thương đến đối phương_ đối tượng trực tiếp đón nhận những thông tin đó và họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
- Tránh những yếu tố tác động gây phiền nhiễu
Trong cuộc đối thoại giữa bạn và người nghe, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sự truyền tải thông tin cụ thể đó là sự ồn ào, âm thanh lớn gây khó khăn trong việc lắng nghe. Điều này cũng giải thích tại sao phải để điện thoại im lặng trong cuộc họp, hội thảo hay rạp chiều phim. Nếu để sự tác động phiền nhiễu này gây ảnh hưởng, thì chất lượng và nội dung của những thông tin bạn cần truyền đạt sẽ không chính xác và thiếu sót.
2.Biết cách tổ chức sự giao tiếp
- Tổng hợp những thông tin cần truyền đạt một cách có tổ chức
Bạn nên sắp xếp những thông tin theo trình tự logic phù hợp để khi đối phương lắng nghe có thể hiểu chính xác mục đích bạn cần nói tới. Không những vậy, việc này sẽ giúp bạn không bị quên những điểm quan trọng và mấu chốt trong thông tin khi trình bày một vấn đề phức tạp. Ví dụ, khi một người diễn thuyết thảo luận đề tài bất kì nào đó, họ thường mang theo những tờ giấy ghi chú gồm những điểm quan trọng, sắp xếp chúng theo từng bước trình tự đã chuẩn bị sẵn để tránh truyền đạt thông tin thiếu sót.
- Thông tin cần truyền đạt cần rõ ràng
Mục đích khi bạn giao tiếp là để trao đổi ý kiến, chia sẻ ý nghĩa hay thông cáo vấn đề bạn cần truyền tải. Vì vậy, bạn không nên tạo sự mập mờ khó hiểu để người nghe cảm thấy phức tạp, khó khăn khi tiếp cận những điều bạn cần nói. Hãy tạo sự rõ ràng để đối tượng lắng nghe cảm thấy thoải mái và dễ dàng đón nhận thông tin một cách hiệu quả.
- Luôn  đặt trọng tâm vào vấn đề muốn nói tới
Khi bạn thảo luận về một đề tài nào đó, luôn có sự tranh luận ý kiến giữa bạn và người nghe. Có người đồng tình với quan điểm của bạn những cũng có người phản bác lại với những lập luận có thể khiến bạn lung lay. Tuy nhiện, bạn phải cố gắn giữ cân bằng, đứng trên lập trường của bản thân, bảo về chủ đề bạn cần truyền đạt, tạo nên  điểm nhấn trong quan điểm vấn đề chính mà bạn đang nói tới. Nếu nhưng bạn bỏ dở giữa chừng, thay đổi luận điểm thì các vấn đề bạn truyền tải sẽ không ăn khớp, rời rạc khiến người nghe không hiểu được mục đích bạn muốn nói là gì.
- Nói lời cảm ơn đến người lắng nghe bạn
Dù là ở hoàn cảnh nào, khi bạn trình bày vấn đề, bạn nên gửi lời cảm ơn đến những người lắng nghe. Bởi họ đã dành thời gian suy nghĩ, tìm hiểu về những quan điểm bạn trình bày. Đôi khi bạn phải đối mặt với sự phản bác, những quan điểm không đồng tình khiến bạn tức giận hay khó chịu , nhưng bạn vẫn nên cảm ơn họ. Vì bạn sẽ thể hiện được sự tôn trọng của mình đối với khác, chứng minh cho mọi người thấy bạn cũng là người biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến. Như vậy, bạn sẽ gây được thiện cảm trong giao tiếp xã hội.
3.Giao tiếp qua cách nói
- Tạo ấn tương tốt
Trước khi vào cuộc thảo luận, bạn nên thiết lập mối quan hệ hoặc gây ấn tượng tốt đối với người bạn muốn truyền đạt thông tin. Điều này giúp bạn gây được cảm tính khiến người ta có trạng thái vui vẻ, hào hững và nhiệt tính khi lắng nghe. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ những sở thích chung, hỏi han về công việc gia đình, khen ngợi vẻ bề ngoài hay trang phục của họ.
- Sử dụng ngôn từ đúng cách
Tùy thuộc vào đối tượng bạn truyền đạt thông tin, hãy biết cách lựa chọn ngôn từ sử dụng. Có những từ ngữ mang ý nghĩa sâu xa, phức tạp đòi hỏi người nghe phải có trình độ nhất định mới hiểu được. Vì vậy, hãy dùng những từ ngữ mang tính rõ ràng, chính xác để người nghe không hiểu lầm, không khó khăn trong việc đoán nghĩa, tạo nên thành công trong giao tiếp truyền tải thông tin.
- Loại bỏ thói quen lầm bầm
Việc bạn nói lầm bầm khi giao tiếp với mọi người xung quanh sẽ gây nên sự thiếu thiện cảm. Người ta sẽ không hiểu bạn đang nói gì, tiêu cực hơn họ có thể hiểu lầm bạn đang nói những điều ác ý, không đồng tình với quan điểm của họ. Hơn nữa, giao tiếp là sự truyền đạt thông tin giữa hai hay nhiều người, vì vậy bạn cần phải phát biểu, nói lên suy nghĩ ý kiến với người khác, để họ có thể hiểu được mục đích bạn bạn muốn nói tới. Qua đó, bạn sẽ tạo nên được sự tự tin trong giao tiếp.
- Biết lắng nghe đối phương
Giao tiếp là quan hệ hai chiều giữa người nói và người lắng nghe. Hãy trở thành người lắng nghe theo đúng cách, để hiểu được quan điểm và tôn trọng đối phương. Điều đó rất quan trọng khi bạn trình bày, biểu đạt ý kiến của bản thân. Biết lắng nghe người khác thì người khác mới lắng nghe mình.
- Sử dụng giọng điệu phù hợp
Giọng điệu là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự thiện cảm của người nghe. Bạn không thể quát tháo, dùng những âm vực gây chói tai, để truyền đạt thông tin. Hay quá nhỏ nhẹ, thì thầm, trong việc tranh luận vấn đề gay gắt nào đó. Lựa chọn giọng điệu phù hợp giúp tăng sức thuyết phục trong giao tiếp.
4. Giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể
- Nhận biết sự kết nối
Trong đám đông, bạn không đảm bảo rằng bạn quen biết hết mọi người. Tuy nhiên, khi một người nào đó kết nối giao tiếp với bạn đơn giản qua cách chào hỏi như gật đầu hoặc mỉm cười. Lúc đó, bạn không nên quá bất ngờ, mà phản ứng bình tĩnh đáp lại sự kết nối ấy. Có thể đó là mối quan hệ tiềm năng trong tương lai.
- Sự dụng biểu cảm qua khuôn mặt
Việc biểu lộ cảm xúc qua khuôn mặt thể hiện thái độ, tình cảm khi bạn giao tiếp. Mỗi trường hợp hoàn cảnh khác nhau, bạn luôn phải biết cách kiềm chế, che giấu những biểu cảm tiêu cực bên trong tránh gây mất hòa khí hay phảm cảm giữa cuộc đối thoại. Ngoài ra, khi bạn bộc lộ sự nhiệt tình được thông qua nét mặt, bạn sẽ khiến người nói hoặc người nghe có  được sự thoải mái, đồng tình và hào hứng với chủ đề bàn luận.
- Giao tiếp qua ánh mắt
Giao tiếp qua ánh mắt trong cuộc đối thoại chia sẻ thông tin là một yếu tố không thể thiếu. Thay vào đối tượng đang lắng nghe thông tin truyền đạt, bạn lại nhìn vào người hoặc vật thể khác thì cuộc nói chuyện này sẽ không thể tiếp diện. Người nghe sẽ không biết mục tiêu, người bạn cần nói là ai cũng như không thấy được thái độ tôn trọng của bạn. Dĩ nhiên, bạn không nên chăm chăm nhìn thẳng vào mắt của đối phương, tùy từng trường hợp sẽ gây nên tác động tiêu cực. Bạn có thể nhìn vào sống mũi của họ hoặc thỉnh thoảng lướt qua cặp mắt như thế sẽ có lợi hơn.
- Biết dừng đúng lúc để nhấn trọng tâm vấn đề
Trong một bài diễn thuyết hoặc chủ đề thảo luận với nội dung dài. Bạn không nên thao thao bất tuyệt đọc liền một mạch thay vào đó nên dừng vào những trọng tâm để nhấn mạnh. Qua đó, người nghe cũng sẽ không cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi.
- Dùng cử chỉ bằng tay đúng cách
Trong giao tiếp, ngôn ngữ  biểu đạt qua cơ thể giúp cho việc truyền đạt thông tin sinh động và thú vị hơn. Nhưng không phải bạn cứ khoa chân mua tay, chỉ trò lung tung, nhất là việc chỉ tay vào đối phương là mang lại lợi ích. Do đó, phải biết kiểm soát cử chỉ của cơ thể để tránh điều bất lợi.
- Ngoài ra bạn cũng nên chú ý đến trang phục, cách đi đứng và các cử chỉ khác của cơ thể để thể hiện bản thân ở mặt tốt và có lợi nhất trong giao tiếp.
5.Giao tiếp trong xung đột
Trong các cuộc tranh luận gay gắt đặc biệt xảy ra xung đột, việc bộc lộ sự bực bội, tức giận là điều xảy ra phổ biển. Trường hợp khi không kiềm chế được cảm xúc, đôi bên có thể phát ngôn ra những từ ngữ thiếu văn hóa, gây tổn thương và xúc phạm đến lòng tự trọng của nhau. Lúc đó hai bên không còn sự chia sẻ, giao tiếp, truyền đạt thông tin một cách chuẩn mực. Điều đó không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc mất đoàn kết, tổn hại lẫn nhau. Vì vậy, bạn nên học cách bình tĩnh, dùng từ ngữ và cử chỉ thích hợp cố gắng làm giảm sự căng thẳng tránh gây nên cao trào kích thích xung đột.
Lời kết
Giao tiếp không chỉ là cách thức truyền đạt thông tin hai chiều giữa người nói và người nghe. Đó là sự thể hiện văn hóa, lối sống, cách ứng xử của mỗi người. Vì vậy, tác giả xin gửi những phương pháp hữu ích sử dụng trong giao tiếp để mọi người tìm hiểu và ứng dụng một cách hiệu quả.
(theo Genk.vn)

Cánh thư tình học trò ấy giờ nơi đâu?

Unknown | 20:49 | 0 nhận xét

Trường của chúng tôi có đủ tất cả những gì về một ngôi trường mà người ta hay nghĩ đến: phượng vĩ gọi hè, mái ngói rêu phong cổ kính, những ông giáo già…

Nằm chiếm một góc nhỏ của thị trấn, trường được xây dựng từ thời thuộc Pháp, cái gì cũng xưa cũ. Chi đoàn chúng tôi đã tạo được đôi chút mới mẻ với những luống cao lương kế hoạch nhỏ, và thật nhiều bạch đàn.


Cô hiệu trưởng và gần chục thầy cô giáo tăng cường ở trong những phòng tập thể tranh tre đơn sơ. Cô hiệu trưởng trồng mấy dây bầu, chúng bám vào tường nhà kho thiết bị, đầy trái, cô ăn quanh năm.

Thầy chủ nhiệm năm cuối cấp của tôi là một nhà giáo tài hoa. Thầy mất mấy ngón tay, lẽ ra việc vẽ đường tròn sẽ khó khăn, song thầy vẽ tốt. Tiết toán của thầy đầy chất nghệ thuật, cuốn hút chúng tôi.

Bài ca cách mạng mà thầy hát suốt trong những dịp văn nghệ của trường của lớp là bài ngợi ca cây lúa, “tôi hát bài ca ngợi về cây lúa, và người trồng lúa cho hôm nay…”. Chất giọng ấm áp, trữ tình của một giáo chức cũ thể hiện thật hay bài ca mới của cách mạng.

Cô giáo dạy văn lại luôn có vẻ buồn buồn, tâm tư nặng trĩu, song hết lòng vì học sinh. Thầy dạy vật lý lại rất hài hước, chuyển tải kiến thức khoa học vật lý có vẻ khô khan một cách dí dõm, dễ hiểu.

Tiết họp dưới cờ đầu tuần luôn luôn trang trọng. Tôi có lần vinh dự được điều khiển các khối lớp chào cờ, cảm giác đặc biệt còn đến bây giờ, “hướng về cờ, chào!”. Hàng trăm con người trẻ tuổi đứng nghiêm, hướng về quốc kỳ phất phới, chào. Thật thiêng liêng.

Tôi làm cờ đỏ, và duyên nợ với em từ “công tác” này. Tôi thường sang lớp em chấm thi đua, đủ cả: vệ sinh, thể dục đầu và giữa giờ, trật tự lớp…Khi ấy em còn là một nữ sinh xa lạ. Dần dần tôi biết em, bởi cái duyên ngầm, dáng dong dỏng cao, và tất nhiên- như tình yêu của cả thiên hạ- tôi thương ánh mắt em, như nai giữa rừng, long lanh, có gì chút xíu ngơ ngác…

Tôi cứ để ý em, thương thầm thương trộm không biết bao lâu, cho đến một ngày đẹp trời tôi quyết định… viết thư tỏ tình. Anh chàng cờ đỏ mặt sắt thức gần cả đêm để viết thư, loay hoay mãi không xong mấy dòng tỏ tình đầu đời. “Em thân yêu”, rồi xóa, “H. yêu quý”, rồi xóa…Viết mãi không vượt qua được mấy dòng “mở bài”.

Rồi cũng xong cánh thư. Tôi hồi hộp thực hiện kế hoạch đã được tính toán trước. Tôi sẽ lén ép cánh thư vào vở em, lúc cả lớp tập thể dục giữa giờ, và thực hiện động tác quay theo hướng không nhìn thấy lớp học. Tim đập thình thịch, mồ hôi thấm áo… Tôi đã bỏ được cánh thư vào vở của em.

Sau đấy là lo lắng: không hiểu cập rập như thế có bỏ nhầm thư vào…vở cô bạn ngồi cạnh em hay không? Cứ nghĩ đến đấy tim tôi thắt lại vì lo lắng. Em đã không trả lời thư của tôi, và ngày hè của năm học cuối cùng cũng đã đến. Trong buổi họp mặt chi trường, em đã hát thật buồn: “Mỗi năm đến hè lòng man mát buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”.

Đấy, kỷ niệm của một học trò nghèo không nhiều. Giờ bạn bè có mặt ở khắp nơi: đứa sống tận bên Pháp, đứa lận đận dạy tiểu học ở vùng sâu vùng xa, có đứa lâu lắm rồi không có tin tức gì…May mắn gặp lại thầy cô, gặp lại bạn bè thời áo trắng, nói chuyện thăm hỏi nhau cứ ồ à suốt, vì không ngờ bước đi của thời gian lại nhanh như thế.

Riêng em, người con gái đầu tiên mà tôi thức thâu đêm để viết thư tỏ tình, không hiểu giờ đang ở đâu… Em đã đọc cánh thư ấy của tôi, đúng không?

Hè cũng đã sắp về…

Nguyễn Thành Công

Lá thư xin được gửi đến thầy

Unknown | 20:47 | 0 nhận xét

 Con sinh ra đã mang trên mình không được bình thường như bao người khác khi đã bị nhiễm chất độc da cam. Bố con vốn là một người lính, bao nhiêu năm xông pha nơi chiến trường khói lửa, bố con đã bị nhiễm chất độc da cam lúc nào không hay chỉ đến khi sinh con thì mọi người mới thầm xót xa cho số phận.

Từ khi biết cắp sách đến trường con đã ý thức được những khó khăn chờ đợi mình phía trước nhưng con
vẫn quyết vượt qua. Nhưng cả một thời ấu thơ trong con là những ký ức lẻ loi. Ngồi học con ngồi một bàn, ra chơi con chơi một mình.

Cho đến khi con được học với thầy. Năm ấy con học lớp tám, có lẽ thầy đã chú ý đến con ngay từ buổi đầu nhận lớp. Thầy dạy con môn toán trong khi trước đó môn con yêu thích lại là môn văn.

Tất nhiên thầy không bắt các bạn trong lớp phải xích lại với con. Mà nếu thấy bắt các bạn vậy thì con thà le loi còn hơn nhận những tình cảm miễn cưỡng. Nhưng xen giữa những tiết toán khô khan là những câu chuyện về quan niệm sống, triết lí sống đầy hấp dẫn lôi cuốn cả lớp lặng nghe.

Con hiểu về cuộc sống nhiều hơn cũng như các bạn trong lớp cũng đã có những sự đồng cảm với con. Con đã bớt lẻ loi. Con đã bắt đầu hòa nhập vào thế giới học đường đầy vui nhộn. Nhưng thế giới bên ngoài còn quá bao la và đầy lạ lẫm đối với con.

Lúc đầu con còn quá ngây ngô khi nghe những câu nói tràn đầy triết lí của thầy như một làn gió thổi thoáng qua. Cho đến một hôm cả lớp đang ngồi giải bài tập. Con giải bài này rất nhanh, vì bài này vốn đã có mô-típ dựng sẵn nên chỉ việc ráp vào một tí là xong.

Thầy đi đến chỗ con nhìn bài con làm, thầy khẽ nhau mày, cốc nhẹ vào đầu tôi, khẽ bảo : “Làm như con ai chẳng làm được, con phải nghĩ ra những cách làm ít ai làm được thì khi ấy tầm giá trị của nó mới được nâng lên”.

Con lúc ấy cứ mãi suy nghĩ theo nghĩa đen là một bài toán sẽ được giải bằng nhiều cách khác nhau chứ không đơn điệu bằng con số chỉ một và một cách duy nhất. Cũng từ ngày ấy con yêu học toán hơn học văn nên lên cấp ba con học ban toán.

Cả ba năm con đều ở trong đội hình đi thi học sinh giỏi toán của trường, năm lớp 11, con đoạt giải ba trong cuộc thi giỏi toán cấp tỉnh. Mặc dù không dạy con nữa nhưng suốt thới cấp ba, thầy thường xuyên trau dồi cho con kiến thức về toán giúp con nắm vững kiến thức hơn.

Năm con thi đại học vì gia đình sắp chuyển vào Nam nên con quyết định thi vào khoa kinh tế của đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ngày con thi đậu cũng là ngày con phải xa thầy. Con đã khóc rất nhiều, thầy cũng ôm con nấc lên trong ngẹn ngào. Con và thầy xa nhau từ đó nhưng con biết hình bóng thầy trong trái tim con sẽ không bao giờ tàn phai.

Giờ con đã ra trường đã đi làm, công việc bận rộn cộng với gia đình không ở ngoài Bắc nữa nên con chưa về thăm thầy được và đó cũng là nét trăn trở nhất trong con.

Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, con đều mở máy nghe một lần bài hát mà thầy thích nghe, từng giai điệu, từng ca từ lại đưa con vào trong giấc ngủ : “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.

Trong cơn mơ chập chờn hình bóng của thầy với lời nhắc con giải bài toán năm xưa lại khắc họa trong con. Thầy ơi ! Con đã hiểu, trong cuộc sống này có nhiều hướng đi khác nhau để đến cùng đích thành công.

Đi theo bằng con đường nào không phải người khác chỉ cho mà chính do ta chọn lựa. Đường đi càng khó càng ít người vượt qua thì đó cũng là hướng đi người ta trân trọng nhất. Cảm ơn thầy nhiều lắm thầy ơi !.

Nguyễn Văn Thanh

Áo dài ơi ta xa nhau rồi

Unknown | 20:44 | 0 nhận xét


Nếu ai đó hỏi, với bạn hạnh phúc nhất là gì? Với tôi, điều khiến tôi hạnh phúc nhất đó là được đến trường, được đi học như bao bạn bè khác, được hồn nhiên vui đùa cùng các bạn dưới gốc phượng già trong sân trường, nhặt những hoa phượng rơi để ép vào trang giấy trắng thơ mộng, được cùng nhau thi đua học thật tốt để bố mẹ vui lòng.


Và còn được cất giấu trong trái tim những kỷ niệm êm đềm, niềm vui và cả những nỗi buồn của ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm ruộng, bố mẹ tôi quanh năm lam lũ một nắng hai sương mà vẫn không đủ lo cho đàn con ăn học. Tôi biết rằng, mảnh đất miền trung quê tôi, thời tiết rất khắc nghiệt, người dân dù rất cần cù, tằn tiện mà vẫn cứ thiếu thốn.

Gia đình tôi cũng vậy, và vì ý thức được nỗi khổ của bố mẹ nên tôi đã học thật tốt, năm nào cũng được danh hiệu xuất sắc. Tôi còn nhớ, năm tôi học lên cấp hai, tôi đã phải hằng ngày đi bộ để đến trường cả chục cây số. Lúc đó, tôi rất muốn được đi học thêm môn toán, để được học thật giỏi môn này. Nhưng nhà tôi làm gì có tiền, mẹ tôi lúc đó đã động viên con gái:

- Con cố gắng học lên cấp ba, mẹ sẽ cho đi học thêm nhé!. Giờ nhà mình khổ quá, tiền trường, tiền quần áo, sách vở mẹ không thể lo nổi cho các con học đủ thứ đâu.

Nghe mẹ nói vậy, tôi thương mẹ lắm. Tôi nghe lời mẹ không đòi đi học thêm ở ngoài nữa. Có một lần, vì thèm được đi học thêm quá. Tôi đã lén đứng nép bên cửa sổ của lớp học để lắng nghe thầy giảng.

Thấy bài toán thầy giảng hay quá nên tôi cũng ngồi sát dưới cửa sổ để thầy không phát hiện ra, tôi lấy vở ra hì hục chép. Tự nhiên tôi nghe một tiếng “bốp” trên đầu. Tôi nóng hết cả hai tai, mặt đỏ như trái ớt, tôi chưa biết chuyện gì thì thầy hiệu trưởng đã ở trước mặt tôi, thầy nói:

- Đi ra khỏi chỗ này, để cho các bạn học.

Tôi rưng rưng nước mắt, cắp vở ra về. Tôi biết vì tôi lúc đó học lớp 9 rồi mà còn nhỏ tí, thầy đã nhầm tôi là đứa trẻ nghịch ngợm ở ngoài vào quấy rối lớp học. Từ đó, tôi không bao giờ dám nghĩ đến đi học thêm chui nữa.

Tôi tự mượn vở của các bạn về giải lại và có khi tôi mang những củ lạc, củ khoai của nhà làm ra, đổi cho chúng bạn để bọn nó giải cho tôi hiểu bài hơn. Nhờ thế mà tôi học ngày càng tiến bộ hơn lên.

Một buổi đến trường, một buổi tôi giúp mẹ chăn trâu, thái rau cho lợn và làm nhiều thứ khác mà bố mẹ cần. Vậy mà, tôi đã lên được cấp ba với số điểm cũng rất hãnh diện. Thầy cô kính yêu, mái trường dấu yêu và bạn bè mến yêu, tất cả hiện về trong tôi như một miền kí ức đẹp vô ngần.

Năm tôi lên cấp ba, vì xa nhà nên tôi phải đi xe đạp chứ không còn đi bộ nữa. Nhưng gia đình tôi vẫn còn nghèo lắm. Bố mẹ không mua nổi cho tôi chiếc xe đạp để đi học. Ở nhà tôi lúc đó có một chiếc xe đạp giàn ngang.

Đó cũng là phương tiện duy nhất để bố tôi đi xuống thị trấn những khi cần. Đó lại là con trâu kéo cày của nhà tôi, nó có thể dùng để thồ lúa, thồ khoai lúc mùa màng. Lên cấp ba, tôi phải mặc áo dài để đến trường. Tôi được nhận vải từ học sinh xuất sắc nên mẹ đã dùng vải đó để may áo dài cho tôi.

Hàng ngày đi học, tôi mặc áo dài cởi trên chiếc xe giàn ngang ấy, các bạn ai cũng cười trêu tôi dữ lắm. Vì tôi thấp con nên mỗi lần đứng xuống xe rất khó khăn, tôi phải chọn chỗ nào có bục cao mới chống chân dừng lại được.

Giờ nghĩ lại thấy tội lắm mà cũng vui vui. Mà sao khi ấy, tôi lại không thấy ngượng gì cả. Tôi chỉ có một quyết tâm là hãy học thật giỏi để các bạn không coi thường mình là con nhà nghèo thôi.

Tôi rất yêu quý bạn bè, tôi cũng rất hòa đồng nên chúng bạn nói vậy chứ ai cũng thương cho hoàn cảnh của tôi cả. Có bạn thương tôi đã cho tôi cả sách cũ để học. Tôi không sao quên được tình cảm yêu mến của thầy cô và bạn bè ngày đó đã giúp tôi vượt qua khó khăn để học tập.

Con đường đất đỏ quê tôi, ai đến cũng phải sợ lắm. Mùa mưa rất lầy lội và trơn. Ba năm cấp ba tôi chỉ có duy nhất một bộ áo dài. Tôi cũng chăm chút nó lắm nhưng vì ba năm mà ngày nào cũng mặc cả nên nó đổi từ màu trắng sang màu vàng.

Hơn thế, nó còn bị rách vá nhiều chỗ ở cùi chỏ tay và dưới ống quần, phải nói là nó rất te tua và thê thảm. Vậy mà, tôi cứ mặc mãi đúng trang phục quy định của nhà trường dù là nắng hay mưa. Vì bố mẹ quá nghèo khổ, vất vả nên tôi không bao giờ đua đòi quần này áo nọ hay học thêm học bớt gì cả.

Lúc đó, chỉ còn đúng ba tháng nữa là chúng tôi phải chia xa mãi mãi mỗi đứa một phương trời. Bầu trời cao rộng và xa xăm ấy, với chúng tôi còn rất nhiều điều mới mẻ đang chờ đón.

Chiếc áo dài của tôi đã sờn cũ lắm nhưng tôi vẫn tung tăng vui đùa cùng các bạn. Sự hồn nhiên, ngây thơ của ngày ấy, bây giờ tôi thèm lắm. Một lần, trong giờ ra chơi, tôi đã vui quá đà nên thằng bạn dùng ngón tay bấm vào vai tôi. Tôi thấy đau mà vẫn vui đùa suốt cả giờ ra chơi đó.

Vì thằng bạn bấm mạnh tay mà áo dài của tôi đã gần mục lắm rồi nên nó đã bị rách toạc ra một khoảng thật to. Tôi xấu hổ quá không nghĩ gì đến việc học được.

Tôi loay hoay lo lắng thì con bạn tôi đã kịp thời chuyển lên cho tôi chiếc áo khoác, tôi mặc tạm vào. Cả tiết học hôm ấy, tôi không thể tập trung nổi.

Chỉ còn ba tháng thôi là chúng tôi xa nhau rồi, nhưng chiếc áo dài của tôi đã dừng lại ở đó để chia tay tôi. Nó không cùng tôi đi suốt ba năm cấp ba mà chia tay tôi trước ba tháng, tôi rất buồn. Bố tôi viết đơn lên nhà trường xin cho tôi miễn trang phục áo dài để được đến trường.

Thế là hết, áo dài ơi! Thời gian trôi qua nhanh quá, ngày nào đó tôi là lọ lem của lớp 12/2 trường trung học phổ thông Trần Văn Dư mà giờ đây đã là một cô giáo làng rồi.

Các bạn ơi! Hãy để những ký ức vui, buồn và đẹp nhất của tuổi học trò ở một ngăn trong trái tim mình nhé. Nó sẽ nuôi sống các bạn và mang đến cho các bạn niềm hạnh phúc vô bờ đó.

Nguyễn Thị Bích Kiều

Kỷ niệm một thời cắp sách

Unknown | 20:41 | 0 nhận xét

Quạt trần quay như thể ngày mai là nó đổi chỗ định cư ra vựa ve chai ở vậy. Vì thế, mồ hôi cứ thì thầm rủ nhau lấm tấm trên lưng áo ba mươi chín đứa học trò. “Bi kịch tình yêu của Kiều” trong đề kiểm tra có lẽ đã làm trời Sài Gòn thêm đổ nắng: “Đề khó quá cô ơi!” Thấy mà thương học trò mình đến lạ.


Một chuỗi mênh mông ký ức rộn ràng rủ nhau về…

Ba năm trung học phổ thông, kỷ niệm đong chắc phải đến hàng nghìn trang nhật ký:

Bảo bảnh trai mượn xe máy của ba để làm màu đón “em yêu” (theo lời của nó) đi học thêm về; “em yêu” không chịu lên xe. Buồn đời đi uống rượu rồi tông vô cột điện; tỉnh dậy chỉ thấy cái mũi Hy Lạp đã “đứt gánh tương tư”. Cả lớp rủ nhau đi thăm, ồn ào cả bệnh viện, bị bác sĩ la quá chừng.

Nhỏ Thủy quen anh nào năm cuối ở Đại học và tặng anh điều vô giá của bản thân. Thế rồi anh bỏ nó không lý do. Thủy uống thuốc ngủ thật nhiều, may mà cứu kịp. Thủy đòi nghỉ học. Các bạn kiên trì chia nhau đến nhà động viên suốt một thời gian, Thủy mới chịu mang cặp sách lại.

Cô giáo dạy công dân hiền ơi là hiền, hôm qua còn kể chuyện về tình yêu vui ơi là vui. Thế mà trưa hôm sau, cả lớp đã khóc như mưa hạ đầu mùa tầm tã: cô ra đi vì chiếc xe và cô bé nhỏ dưới bánh xe tải.

Cả lớp bị cô chủ nhiệm cho chép phạt nguyên quyển vở học trò vì cái tội không đứa nào thuộc lấy một chữ trong “Tuyên ngôn độc lập”. Thật đáng, vậy mà không ít đứa bảo cô “dã man”. Cô biết, giờ sinh hoạt lớp cô không nói lời nào, thỉnh thoảng lấy khăn chậm nước mắt.

Ba năm làm chủ nhiệm, cô coi đứa nào cũng như con. Vậy mà niềm trân quí cô trong lòng trỗi dậy, ba mươi sáu đứa vòng tay, để xin lỗi ư? Hổng phải, vòng tay như trẻ mẫu giáo và đồng ca lộn xộn bài: “Cô giáo em”. Cô cười nhẹ nhàng như mây trời, nói: “Ghét quá!”.

Đóng tiền quyên góp cho trẻ em làng SOS, đứa nào cũng than vãn, thầy Bí thư Đoàn trường bảo: “Ôn thi đại học làm gì khi mà sống vô cảm”. Đúng là vô cảm thật! Thế là lại hớn hở đóng tiền, 1000 đồng khi ấy đủ mua ổ bánh mì thịt mà ăn no đến trưa.

Nhắc đến bánh mì mới nhớ. Thầy hiệu trưởng cấm ăn bánh mì trước cổng trường vì sợ không đảm bảo vệ sinh. Lũ ngẩn ngơ ngày ấy đâu chịu hiểu lời thầy. Lớp trưởng: “6 giờ 30 phút tập trung ở cổng trường, mỗi đứa sẽ cầm sẵn một ổ bánh mì.

Đợi thầy hiệu trưởng đến là đồng loạt ăn. Tiền bạc không phải lo, chúng ta ứng quĩ lớp”. Cả lớp hưởng ứng nhiệt liệt. Sáng hôm sau, nụ cười sung sướng lan tỏa trước cổng trường khi thấy thầy hiệu trưởng kéo kính xuống nhìn ba mươi sáu con người cầm bánh mì ăn sảng khoái.

Tiết một trôi qua trong “vinh quang chiến thắng”. Bi kịch bắt đầu khi tiếng loa oang oang: “Mời tập thể 12 A về văn phòng!”. Rồi nước mắt, rồi hối hận, rồi viết bản kiểm điểm, rồi mời phụ huynh cứ xoắn vào nhau… Thấy thương thầy hiệu trưởng quá chừng.

Nghĩ rằng năm cuối cấp nên cần phải tạo ấn tượng khó quên. Thế là 8/3, có mười đứa con trai không xuống sân trường làm lễ. Khi cô hiệu phó vừa nêu lịch sử ngày thế giới phụ nữ xong thì tiếng cười đồng loạt rộn lên. Không phải cười cô mà là cười mười ông tướng đang mặc áo dài đang xuống lầu.

Áo đủ màu, không biết mượn ai và mượn từ bao giờ. Mười ông xin hát bài “Một thoáng quê hương”. Lần đầu tiên một bài hát đầy mỹ từ như thế lại khiến cả trường cười nghiêng ngả: bởi các ông hát gớm quá và mặc áo dài thì quá gớm!

Ngày ra trường cận kề, bài vở nhiều mà vẫn không hết nghịch. Trường yêu cầu mỗi lớp tổng dợt vệ sinh. Thế là thay vì xách nước từ nhà vệ sinh ra lau dọn thì vài anh tài lanh trong lớp lại đi mở ống nước chữa cháy kéo thẳng vào lớp, xịt tưng bừng. Nước ào ạt từ lầu ba xuống tầng trệt, ngỡ như thác Đatanla đang bước vào mùa lũ.

Thầy giáo vụ chạy lên trợn mắt. Lẽ ra bị kỷ luật nữa nhưng vì gần thi rồi, tha cho…

Trong bâng khuâng kỷ niệm của bạn bè, lòng không khỏi dạt dào kỷ niệm riêng.

Những năm 1994, hai mươi nghìn đồng học phí một tháng thật nặng nhọc với một gia đình trồng rau mà trúng mùa thì ít, mất mùa thì hoài hoài. Thế nên, đóng học phí trễ nhất lớp là điều đương nhiên, mà khi đóng thì toàn tiền lẻ, đồng tiền mặn mồ hôi của má từ những gánh rau.

Rồi học thể dục, tôi là đứa vận động ít nhất. Không phải bệnh, không phải lười mà vì sợ rách quần. Thật khó hiểu phải không? Vì quần thể dục má mua mặc đã hai năm, vải nào còn nổi. Đây là cái quần mượn nhỏ bạn hàng xóm, học khác trường.

Lần nào mượn nó cũng nhăn nhăn: “Mày làm giãn hết quần tao!”. Thế mà vẫn mượn, học xong buổi sáng thì trưa le te đi giặt cái quần cho kịp khô trả bạn.

Lũ bạn ùa đi học thêm, vì kiến thức vì phong trào còn tôi không học đâu cả, chẳng phải mình giỏi giang, có thừa năng lực tự học đâu mà vì sợ gánh rau của má nặng thêm.

Có đứa lại nhấm nhẳng: “Nhỏ này chẳng lo gì cho tương lai”.

Lo chứ, lo vội vội về nhà quăng cặp đi cắt rau, bó lại gọn gàng rồi đèo chúng ra chợ cho má bán kịp chợ chiều.

Ngại nhất là đi sinh nhật. Thời ấy, vài đứa đã có bạn trai đèo ra tiệm trang điểm, váy trắng váy hồng xòe lung linh.

Thèm lắm, giá được ướm vào chiếc cánh thơm tho ấy một lần rồi cởi ra liền cũng lấy làm mãn nguyện. Nhưng chẳng dám lộ nỗi thèm ấy cho má biết, vui vẻ tung tăng đi sinh nhật.

Trong tiệc, giữa bao sắc màu duyên dáng, hóa ra tôi lại “nổi bật” nhất bởi đồng phục xanh xanh.

Chiếc áo tết của 15 năm về trước, tôi còn giữ tinh tươm trong tủ. Đó là chiếc áo cô chủ nhiệm tặng, nhớ mãi giây phút ấy, nước mắt trong lòng như sóng xôn xao mà trái tim thì ấm dịu như nắng cao nguyên.

Ngày làm hồ sơ thi Đại học, tôi băn khoăn hai chữ: tiền đâu? Chọn lựa sau một đêm dài suy ngẫm là Trường Cao Đẳng Sư Phạm ở quê nhà. Bởi: không học đóng học phí, không đi học xa, không làm má vì mình mà tóc bạc thêm, mắt sâu hơn…

Học trò lần lượt nộp bài, có đứa rủ rỉ: “Hồi nãy làm bài, em thấy mắt cô ướt ướt nha!”

Những năm tháng tuổi hồng dẫu có nhiều trăn trở của áo cơm, song mãi mãi kỷ niệm ấy làm tâm trí chúng ta tươi xanh, tinh khôi và vẹn nguyên như màu mực tím…

“Cảm ơn nhé thời ta cắp sách,

Nụ cười hồng cuốn nỗi niềm riêng.

Cảm ơn nhé tuổi mộng thần tiên,

Cho thêm yêu cuộc đời tha thiết…”

Phan Thi Mỹ Cảnh

Chỉ còn tôi với mùa hoa điệp

Unknown | 20:38 | 0 nhận xét

Bánh xe cứ mải miết xoay vần, những buồn vui vu vơ tuổi học trò cũng xa dần theo năm tháng. Tôi lãng mạn, thích vẩn vơ suy nghĩ chuyện bâng quơ, như cái cách bạn trêu đùa là hay “thương mây tiếc gió”.

Bạn bảo tôi phải thực tế, cuộc sống là một bức tranh với nhiều mảnh ghép, và không phải mảnh ghép nào cũng lung linh như tôi nghĩ đâu. Tôi biết chứ. Nhưng tôi chọn cách nhìn của riêng mình, ít nhất để thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn.


Bạn bảo tôi là người đơn giản mà lại thích sự phức tạp. Vì tôi thích vẽ tranh, với những gam màu rực rỡ, sôi nổi nhất. Tôi muốn đem sắc màu ấy vào cuộc sống của bạn, nhưng dường như việc chạm vào những mảng xám trong đó lại quá xa vời.


Tháng 5…

Mùa hoa điệp, bung lên góc trời một sắc riêng rực rỡ, xen giữa phượng hồng thắm và bằng lăng tím ngát. Những cánh hoa nhỏ bé nhưng mạnh mẽ vươn lên, rạo rực trong nắng vàng. Tôi ước mình được đứng dưới gốc cây ấy, đúng lúc những cánh hoa ào ào rơi xuống, để vương trên tóc, để lưu trên tay. “Tôi trèo lên rung cho hoa rụng nhé”, tôi chỉ cười khi nghe bạn nói thế. Rồi hai đứa lại sánh vai đạp xe tới trường.

Ba mùa hoa điệp vắt ngang, những năm tháng cấp 3 thoáng qua như một cơn gió.

Nhớ những buổi sáng đi học tôi bắt bạn đợi dài trước ngõ. Bạn bảo tôi chậm chạp, đúng là con gái lúc nào giờ giấc cũng cao su. Có hôm muộn học bị phạt trực nhật, tôi áy náy hỏi bạn sao không đi trước. Bạn bảo hai đứa trực nhật chẳng nhanh hơn một đứa sao.

Nhớ những lúc tranh cãi khi học nhóm, tôi hiếu thắng cho mình luôn đúng. Tôi bảo bạn cứng đầu nhưng vẫn kiên nhẫn giải thích đấy thôi.

Những lúc tôi hậu đậu hay làm điều gì sai, bạn nghiêm nghị nhắc nhở làm tôi nhiều lần tự ái. Bạn bảo chỉ muốn tôi tốt hơn.

Bạn hiểu tôi, luôn ở bên mỗi khi tôi cần. Nhưng tôi cảm nhận có một khoảng không vô định - nơi mà bạn không muốn tôi bước vào trong cuộc sống của bạn. Nhiều lần tôi gặng hỏi nhưng đáp lại chỉ là ánh ánh mắt xa xăm.

Tôi vẫn nhớ cái Tết cuối cùng của tuổi học sinh. Chỉ còn mấy tiếng nữa là giao thừa, bạn muốn tôi đi cùng tới một nơi. Nhìn khuôn mặt phảng phất nét buồn, tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Bạn không nói một lời nào trên đường, chỉ nghe tiếng thở dài, dài mãi.

Mình dừng lại ở con đường nhỏ xinh trên bờ sông. Bạn lặng lẽ nhìn ra xa mặt nước đang lăn tăn gợn sóng dưới ánh đèn mờ ảo. Rồi bạn khóc, nước mắt lặng lẽ rơi, không thành tiếng. Lúc ấy tôi thực sự hoang mang không biết nên làm gì. Mọi câu hỏi dường như vô nghĩa. Tôi nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay bạn.

Lạnh quá… Càng về khuya, mọi người càng tấp nấp tới tìm một chỗ thật đẹp chờ xem màn pháo hoa đón giao thừa. Bạn gượng lấy lại vẻ tươi tỉnh, nhìn tôi trìu mến “Bạn sợ lắm phải không? Tôi ổn rồi, đừng lo!”.

Tiếng pháo hoa rền rã vang lên, cả bầu trời trở nên lung linh, huyền ảo. Trong giờ khắc ấy, ai cũng có những nguyện ước riêng. Tôi cũng ước cho một người…

Người ta thường bảo: Mùa hạ - Mùa thi - Mùa chia ly. Từng nghĩ sẽ nằm ngoài quy luật ấy, bạn và tôi. Nhất là khi hai đứa cùng đỗ đại học, lại cùng học một trường nữa. Nhưng bạn cứ đẩy tôi ra xa dần. Tôi không biết vì sao.

Tôi vẫn cứ nhìn đời theo lăng kính rực rỡ sắc màu. Đối với tôi, chút sóng gió cho cuộc đời thêm thi vị. Có thể tôi không biết và không hiểu những “sóng gió” quá lớn trong cuộc sống của bạn. Có thể bạn muốn cho tôi một bức tranh không cần gam màu xám ấy. Có thể…

Năm năm rồi mới trở lại con đường này. Tôi đạp xe như hồi xưa chúng ta tới lớp mong tìm lại chút kỷ niệm tuổi mộng mơ. Đứng dưới gốc cây điệp già đang mùa rực nắng. Chợt cơn gió ào ào trút hoa xuống, tớ lặng đi miền ký ức xa xôi. Trong tiếng gió reo vui, rộn rã tiếng cười đôi bạn nhỏ.

Nguyễn Thị Minh

Tuổi học trò và những ngày tháng không quên

Unknown | 20:34 | 0 nhận xét

Nắng hạ. Những tia đầu tiên ánh lên trang vở còn chưa khô màu mực. Và ẩn đâu trong những tàn lá xanh ấy, có những nàng vũ công dần xòe chiếc váy đỏ rực của mình ra, như một điệu ba lê trong bản nhạc ve sầu du dương.

Đôi mắt tôi chợt thoáng nhuốm màu buồn, một mảng màu nhẹ thôi mà không hiểu sao khóe mắt cứ rưng rưng…

Tôi lắng mình xuống, dường như tôi nghe văng vẳng đâu đây một bài hát chia tay mà chú ve sầu ngoài khung cửa đang cất lên.

Sắp đến rồi! Sắp chia tay thật rồi sao!

Tôi còn nhớ rõ từng giọt nắng mùa thu hôm nào phủ nhẹ trên vai ngày tựu trường. Ấy, tôi tưởng dường như nó vừa mới xảy ra hôm qua thôi. Một cái chớp mắt, là dòng thời gian cứ xoáy liên hồi.

Chút gì đó hiện lên trong đầu tôi, những kỷ niệm mà bạn bè đã trao tặng tôi… Ngày mà các bạn cho tôi nụ cười đầu tiên thực sự vui vẻ của năm học cuối dưới mái trường trung học cơ sở, là một ngày tôi phóng nhanh chiếc xe đạp qua phố, rồi chợt nghe tiếng gọi: “ Ê Việt, vô ăn kem nè!”.

Kể từ khi chuyển trường về đây, thật sự tôi chưa bao giờ có cảm giác gần gũi với bạn bè như thế cả. Trưa hôm ấy đầy nắng nhưng vị kem mát lạnh cứ hòa quyện cùng những cảm xúc dâng trào trong tôi.

Vị kem của tình bạn đọng mãi trên đầu lưỡi cho đến tận bây giờ, rồi bỗng tự hỏi mình: “ Nụ cười của tình bạn ngọt đến thế sao?”.

Rồi ký ức ùa về trong cái ấm áp của ngọn lửa trại bập bùng. Cả lũ giành ghế, giành qua giành lại để có cái chỗ ngồi xem văn nghệ. Hết văn nghệ cũng là lúc nửa đêm. Bọn con trai thì nằm trong trại ngủ đủ kiểu, muôn hình vạn trạng tư thế nằm.

Con gái thì cứ ngồi đó cười, lén lút chụp hình lại rồi lâu lâu lấy ra chọc quê. Còn tôi và một số đứa thì không tài nào ngủ được, đi dạo xung quanh sân trường tới gốc cây bàng đằng xa tối om.

Tôi còn nhớ như in cả những đêm ánh trăng phủ lên đồng cỏ bao la, tôi và lũ bạn đi bắt đom đóm. Và lần nữa, tôi lại gặp cái trò dọa ma ấy mà bây giờ là giữa đồng vắng. Tôi chết ngất mất thôi nếu như tụi nó không sớm tháo mặt nạ ra.

Mà chuyện chưa kết thúc, bắt xong rồi lại tranh cãi nhau về cách chia đom đóm, là định mệnh hay sao ấy chứ mỗi lần chúng tôi bắt đom đóm đều là số lẻ, còn nhóm tôi thì lại 6 người.

Vậy làm cách nào chia đom đóm đây? Chúng ta chia ra thành từng cặp oẳn tù tì, rồi cứ thế cho đến khi tìm được quán quân thì quán quân sẽ được lấy con đom đóm dư ngoài số chẵn đó.

Sao chỉ có mỗi con đom đóm mà không nhường lại tranh giành. Nghĩ mà bật cười cái tính trẻ con lúc ấy. Và giờ đây, chợt nhớ lại rồi chợt khóc, khóc vì vui mà cũng vì buồn.

Những ngày ấy mình muốn giữ chặt trong tay, muốn lắm chứ, nhưng sao “ cơn sóng” thời gian cứ xô nó ra xa dần dần. Nhưng khóc để làm gì nữa chứ? Sao không cười để trong tâm trí mình có thêm nhiều ký ức vui nữa!

Dù là thời gian trôi không quay trở lại, cũng như mùa hạ trôi rồi mùa hạ khác sẽ đến chứ mùa hạ ấy không hề quay về.

Tôi cũng không thể quay lại quãng đời học sinh lần thứ hai được nhưng tôi biết được niềm hạnh phúc ẩn thật sâu trong trái tim tôi. Bởi vì tôi là một học sinh, tôi đã có những ký ức buồn vui cho riêng mình.

Dù thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ thật tự hào về những kỷ niệm, ký ức ấy. Nó sẽ là hành trang cho tôi mai này trên đường đời. Để mai này nhìn lại thời học sinh, lại thấy ấm lòng hơn vì mình đã nhận được sự cảm thông, sự chia sẻ từ những người mà mình từng xa lạ.

Và tôi sẽ vững lòng hơn, cười nhiều hơn nữa vì tôi đã có tình bạn mà tôi sẽ mãi khắc ghi. Sẽ không có một “ cơn sóng” thời gian nào xô đi được cả. Đó những kỷ niệm vĩnh hằng!

Nguyễn Hùng Việt

Con đường phía trước

Unknown | 20:28 | 0 nhận xét


Quê nội tôi, một vùng quê sông nước miền tây, một vùng quê rất nghèo. Tám năm nắng gió quê nội đã rót vào tâm hồn trẻ thơ của tôi là dòng nước ngọt, dòng nước của tình người, của những con sông chi chít nhánh ôm lấy vùng đất nghèo hai mùa mưa và nắng.


Những gì tinh túy nhất nơi đó đã thấm sâu vào máu của tôi. Từng gương mặt hiền lành, chất phác, từng câu nói đậm chất sông nước đã in sâu vào trong ký ức.

Ngày tôi chào đời có lẽ trên vai đã mang nặng một lời hứa, lời hứa với đấng sinh thành. Đó là ngày mẹ tôi gửi bao ước mơ vào tương lai của tôi. Ngày mà con thuyền chở nặng tình thương rời xa bến đỗ, rời xa mảnh đất mà chất chứa trên đó là ký ức về phần đời đã qua của mẹ tôi, bởi đường đời phía trước mẹ đi đâu phải vì mình.

Con thuyền lặng lẽ, lặng lẽ đi đến bến đỗ của đời tôi. Mẹ muốn tôi sống một cuộc đời khác, một cuộc đời không lầy lội, không lấm lem bùn đất như ông bà, như ba và mẹ.

Ngày tôi khóc là ngày bao người cười, ngày tôi biết cười là ngày lòng mẹ trĩu nặng, mẹ gói gém tất cả để tôi có một hành trang ở tương lai. Một tương lai tươi sáng của một con người khác, một con người sẽ khác nhiều những con người nơi đây.

Nhưng điều đó không hẳn là mẹ muốn tôi quên đi bầu trời, vị đất và hương lúa nơi đây. Vì đó là bầu sữa đã cho hình hài, khối óc để tôi có thể nhận ra mình, để tôi là một phần của tạo hóa, để từng nhịp đập nóng hổi trong tôi hòa vào lời thì thầm của trời và đất.

Mảnh đất nghèo vẫn lặng lẽ nuôi lớn bao thế hệ, nó mang đến cho ông cha chúng tôi hơi thở đầu tiên và sẽ nhận lại họ hơi thở cuối cùng.

Những mái nhà lá, những đôi chân trần vẫn ngày ngày đón bình minh và tiễn chiều tà trên mảnh đất quê hương nghi ngút nhang khói ông bà. Tôi sẽ chẳng là ai nếu tôi quên đi nguồn cội.

Mảnh đất nơi đây, dòng sông nơi đây, con người nơi đây đã cho tôi dáng đứng, đã nâng bước chân tôi dài theo từng nhịp của thời gian.

Tôi lớn lên rồi đi học, con đường xa nhất đầu tiên là con đường đến trường. Đó là con đường gieo vào trong tôi những hình ảnh đầu tiên về mơ ước, một ý thức là phải học cho thật giỏi, dẫu những điều đó là mơ hồ nhất, bởi tôi còn quá nhỏ.

Để được đến lớp, tôi phải băng qua cánh đồng, đó là con đường tắt, hay là tôi phải đi đường vòng. Vào mùa mưa, trẻ con trong xóm phải đi đường vòng, con đường tắt chỉ dành cho mùa nắng. Con đường vào mùa mưa thật lầy lội, trơn trợt, biết bao nhiêu đứa trẻ “chụp ếch” (ngã) trên đường.

Ai là người xui xẻo nhất thì thật dễ nhận ra với bộ đồ lấm lem. Trẻ con chúng tôi chẳng ai cười nhau cả, bởi lẽ có mấy đứa còn sạch sẽ mà vào lớp đâu. Cũng có thể những hình ảnh đó đã quá quen thuộc trong suốt mùa mưa.

Thuở ấy, qua cầu khỉ là nỗi ám ảnh, nhưng để có thể ngồi vào lớp chúng tôi phải qua bên kia sông. Con sông không rộng nhưng vào mùa mưa lại rất “lạnh lùng”. Mưa xuống, cây cầu bám đầy đất trở nên bóng loáng và rất trơn.

Từng đôi tay bé nhỏ cố bám chặt vào tay vịn, run rẩy, kéo chân từng bước một. Bất chợt cây cầu rung lên, đứa trước vội quay sang nhìn đứa sau, một nỗi sợ tràn trong ánh mắt. Đó thực sự là nỗi kinh hoàng. Nhưng đối với một vùng quê sông nước, việc một đứa trẻ qua cầu khỉ là điều bắt buộc giống như tập đi, tập nói. Tôi tự hỏi thời đó sao tôi “liều mạng” như vậy?

Thời đó, người lớn nơi đây chất phác đến mức vô tâm chăng hay là do quê quá nghèo? Dù thế nào thì chúng tôi vẫn phải qua phía bên kia và vẫn cười đấy thôi. Đơn giản là vì hai từ đó xa lạ với trẻ nhỏ chúng tôi.

Tôi sống trong căn nhà lá nằm sau nhà nội, hướng ra cánh đồng và rất hiu quạnh. Cánh đồng mênh mông, phía bên kia là một xóm khác. Lâu lâu lại nghe tiếng trống: “Tùng! Tùng!..” vang lên trong đêm tối. Mẹ tôi nói bên đó có đám ma, nhìn xa chỉ thấy vài đóm sáng nhỏ, người ta đang đến để đưa tiễn một người.

Một con người nữa ra đi, nhẹ nhàng trong đêm tối. Cả một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và giờ đây lặng lẽ về với đất mẹ.

Tuổi thơ tôi là những tháng năm nghèo khó, cả vùng quê không có điện, chỉ có ánh đèn dầu vàng vọt trong đêm. Tôi nhớ hình ảnh ba tôi đang nằm trên võng, kẽo kẹt, kẽo kẹt. Tôi và anh trai ngồi trên giường. Mẹ ngồi bên cạnh, bóng mẹ trên vách lá cứ lay lắt theo từng cơn gió lay ngọn đèn dầu, mẹ đang dạy cho hai anh em bài tập đọc.

Ngoài kia, bầu trời bao la, ở những vùng đất sáng ánh đèn điện, trẻ con có giống chúng tôi không?

Để chạm tới một bến bờ nào đó ở cái tương lai mơ hồ phía trước, tiếng i a vẫn đều đều vang lên rồi tắt lịm, chỉ còn bóng đêm và ánh đèn le lói. Nhưng rồi sẽ lại vang lên!

Ngày đó, mẹ có lẽ là “người lái đò” đầu tiên. Mẹ cầm tay nắn nót cho tôi từng nét chữ với cây bút chì mới tinh, nét tròn trĩnh đầu tiên mang dáng hình của tình thương, là giọt mồ hôi của bao con người chân chất khom lưng ngoài đồng chỉ mong bát cơm đầy cho con cháu, là dáng bà nội lưng còng ẵm cháu cố đi nhanh vào nhà kẻo trời mưa và là nỗi lo của mẹ chưa bao giờ vơi.

Hè về, nắng như đổ lửa, những gốc rạ ngoài đồng dựng đứng cái thân chết khô xơ xác lên trời hay nằm gục xuống và mục ra dưới cái nắng chói chang. Mặt đất nứt nẻ và trẻ con vẫn cười.

Khi nắng chiều dịu xuống, tôi cùng bọn trẻ trong xóm ra cánh đồng để thả diều. Bọn trẻ nhốn nháo cả một khu đất, đứa chạy kéo dây, đứa thả dây, đứa giật dây, đứa chưa có diều nhìn “thèm thuồng” ngơ ngác. Cánh diều mang đến cho chúng tôi những cảm giác mới lạ.

Sức nặng của chiếc diều no gió khiến chúng tôi lo sợ, sợ diều đứt dây và bay mất. Cảm giác làm chủ con diều và ý thức sơ khai về trách nhiệm giữ cho con diều luôn bay cao. Và khi con diều xa nhất là của mình thì đó là phút giây của cảm giác tự hào: “Diều tao xa hơn diều mày kìa!”.

Nhưng cánh diều cuộc đời của mỗi gương mặt trẻ thơ gầy gò và đen đúa sẽ bay tới đâu? Dây diều cuộc đời chúng tôi ai sẽ giật? Làm sao chúng tôi biết được khi mà mơ ước trẻ thơ chỉ là con diều thực tại, căng dây và no gió. Và gió trên đồng vẫn thổi mênh mông!

Năm tôi lên chín, gia đình tôi chuyển đến một nơi khác để anh em tôi có điều kiện học tiếp. Một thị trấn xa xôi, tươi đẹp đang chờ tôi, ở đó sẽ có mái trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Tôi ngước nhìn lên nhà nội, hình ảnh mái nhà bắt đầu xa dần, ánh đèn le lói nhỏ dần, nhỏ dần và mất hẳn.

Bầu trời quê bắt đầu trở tối, phía sau tôi bóng đêm xâm chiếm dòng sông, cánh đồng, phủ lên từng ngôi nhà và phận người nơi đó.

Sự tiếc nuối bao trùm tâm hồn trẻ thơ của tôi. Nhưng phía trước là tương lai, tôi sẽ bước tiếp để thành một con người mới. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn mang bóng hình quê nội, vị đất, hương lúa và nghĩa tình của bao con người nơi đó. Dù tôi có là ai, dấu chân có ở nơi đâu thì tôi vẫn là đứa con của vùng quê ấy, dẫu có chết đi vẫn về với đất mẹ mà thôi!

Nguyễn Phan Bảo Duy

Thèm lắm phút giây trở lại tuổi học trò

Unknown | 20:23 | 0 nhận xét


Những ngày nắng qua đi, tôi lại viết thêm một điều gì đó vào khung trời kỷ niệm. Nhiều lúc ước ao được một lần khoác lên mình tà áo dài mà đến trường cùng bè bạn.


Tháng 5 sắp về, những ngày cuối cùng của một năm học lại qua. Hạ đến, nắng rải vàng ươm trên những con đường, trên những vòm lá, lòng tôi lại nao nao nhớ về một miền ký ức xa xôi mang tên Học Trò.


Những ngày tháng học trò có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất của tôi. Vui có, buồn có, giận hờn có...

Còn nhớ lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa phượng, tôi đã hò reo ầm ĩ, cùng chúng bạn trèo lên hái hoa xếp hình dưới gốc cây. Tiếng cười giòn tan không mảy may vương buồn. Hoa phượng sao đẹp đến lạ kỳ!

Rồi khi những mùa phượng trôi đi, tôi bắt đầu thấm thía nỗi niềm của mùa hoa phượng. Ngày chia tay cuối cấp mắt ai cũng vương buồn nhưng vẫn ép mình đừng khóc.

Những ánh nhìn trao đi, chia tay không dám hẹn ngày gặp lại bởi ai cũng đã chọn cho mình một con đường riêng. Người vào Nam, người du học…

Lớp học đông vui là thế bỗng dưng chia lìa đôi ngả. Giống như những chú chim non giờ đã đủ lông đủ cánh mà bay khỏi tổ, khát khao khám phá những phương trời hứa hẹn.

Những ngày nắng, tôi vẫn lang thang trên những con đường Thủ đô và hoài niệm về một thời xa vắng. Hoa điệp rải vàng dưới mỗi bước chân mà tưởng như nghe thấy ký ức đang lao xao trong lòng. Ở những phương trời mới biết còn ai nhớ ai quên một thời học trò?

Tôi nhớ những ngày tóc bím, quần xanh áo trắng đến trường. Vô vàn ngại ngùng và mặc cảm trước những cô bạn cùng trang lứa xúng xính váy hoa. Nhưng từ nơi ấy tôi học được cách hạnh phúc với những gì mình có. Nghèo khó không phải là một tội lỗi và càng không đáng là lý do để tự ti với mọi người.

Tôi nhớ những ngày khó khăn khi đối diện với sự thật rằng tôi phải học lại lớp 5. Chẳng phải tôi kém cỏi mà vì sức khỏe đã khiến tôi phải nghỉ học quá nhiều. Xấu hổ đấy, mặc cảm đấy nhưng từ đó tôi học được cách mỉm cười lạc quan với cuộc sống.

Có thể tôi sẽ học đại học sau các bạn, sẽ ra trường sau các bạn nhưng tôi biết rằng xuất phát từ đâu không quan trọng, quan trọng là mình về đích như thế nào.

Tôi nhớ những ngày tháng trong đội tuyển thi ngày hội văn hóa của các trường nội trú trên toàn quốc. Những ngày dài miệt mài ôn thi quên cả bữa trưa chỉ mong có thể đem giải về cho trường. Nhưng rồi bật khóc khi biết mình thiếu đi nửa điểm.

Những nức nở cho những kỳ vọng của thầy cô, những tiếc nuối của thất bại đầu đời dạy cho tôi biết không thể gục ngã trong cuộc sống. Không hối hận hay dằn vặt khi đã gắng hết sức mình.

Tôi cũng nhớ lần lớp tổ chức cắm trai trên núi. Cái sẩy chân khiến tôi trượt dần xuống vực. Cậu ấy vẫn nắm chặt tay tôi dù biết như thế sẽ khiến cả hai rơi xuống phía dưới kia vực thẳm.

Những ngày dài nằm viện, cắt tóc ngắn như con trai vì phải khâu do chấn thương dạy cho tôi biết yêu quý cuộc sống, biết nâng niu từng giây phút trong đời. Được sống đã là một món quà vô giá.

Tuổi học trò qua đi với nhiều hoài niệm. Sẽ chẳng còn những lúc ngồi hát bên nhau hay ngồi dưới gốc cây tập tành làm thơ con cóc. Cũng chẳng còn những khoảnh khắc giận hờn nhìn nhau nhưng chẳng nói hay giả vờ thờ ơ khi ai đó ngang qua.

Sẽ chẳng còn nữa những đêm ngồi gần nhau kể chuyện gia đình rồi cùng khóc. Cuộc sống nội trú dạy cho nhau biết yêu thương bè bạn, biết dựa vào nhau mỗi lúc vui buồn.

Những ngày nắng qua đi, tôi lại viết thêm một điều gì đó vào khung trời kỷ niệm. Nhiều lúc ước ao được một lần khoác lên mình tà áo dài mà đến trường cùng bè bạn. Những cái bóng đổ dài trên nền xám của vỉa hè.

Hoa nắng lấp lánh trên cao, lấp lánh trên mái tóc, lấp lánh trong mỗi ánh mắt, nụ cười. Cũng ước ao được một lần ngồi lại cùng nhau ôn chuyện cũ, hay đơn giản chỉ yên lặng bên nhau nhưng biết rằng ngay bên mình là những người mà ta vô cùng yêu quý.

Tôi đã rời quê hương để xuống Thủ đô theo đuổi ước mơ học ngoại ngữ. Cuộc sống sinh viên nhiều khó khăn khi lần đầu tiên một mình đối mặt với cuộc đời. Tôi lại cám ơn tuổi học trò đã dạy cho tôi mạnh mẽ, biết trách nhiệm với cuộc sống mà tôi lựa chọn.

Những ngày nắng. Tôi vẫn lang thang qua những con đường. Màu phượng bỗng trở nên nhức nhối, ký ức ùa về không khỏi khiến lòng mình se lạnh.

Thèm lắm một phút giây trở lại tuổi học trò !

Những ngày nắng. Sao màu hoa cứ nhức nhối cả một vùng trời. Ai có còn nhớ hay không một thời đã mãi xa?

"Ai thổi trên đầu tôi xôi gấc?
Cái màu hoa phượng đến là ngon.
Mẹ ơi con hạc kêu như nấc
Mây vá trời xanh nỗi rách còn…”

Triệu Thị Hợp

Tôi vẫn nợ các bạn một lời xin lỗi

Unknown | 20:20 | 0 nhận xét

Nếu được quay về tuổi học trò, tôi muốn được trở lại những ngày tháng ở ngôi trường làng cấp 2, trở lại lớp 9A1 để nói với các bạn trong lớp rằng: “Các bạn ơi! Cho tôi xin lỗi…”

15 năm trôi qua, một trưởng lớp như tôi chẳng làm được gì, chẳng họp lớp được một lần để bạn xưa, thầy cũ có cơ hội gặp nhau. Ngôi trường xưa vẫn còn tên cũ nhưng đã chuyển thành một trường tiểu học khang trang.


Các bạn cũ giờ đây mỗi đứa một nơi, mỗi người một hoàn cảnh, có đứa thành công, có đứa vẫn còn bươn chải, thi thoảng có gặp mặt nhau trên đường nhưng cũng chỉ kịp cười rồi vội lướt qua vì cũng chẳng biết phải nói gì.

Dường như thời gian và cuộc sống đã khiến giữa chúng tôi có một khoảng cách vô hình. Riêng tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi trong việc tạo ra cái khoảng cách ấy, vì tôi đã không là một lớp trưởng tốt hơn.

Suốt thời cấp 2 ấy, người lớp trưởng như tôi dường như quá vô tâm và ích kỷ. Cái hình tượng con ngoan trò giỏi của trường khiến tôi luôn chạy theo những thành tích cá nhân mà chưa làm tròn vai trò của một trưởng lớp. Các bạn lớp tôi đa số đều nghèo, sáng phụ gia đình làm nông, chiều tất tả vào lớp, không có nhiều thời gian để vui chơi và thấu hiểu lẫn nhau.

Tôi biết rõ điều đó, tôi cũng biết mình may mắn hơn các bạn nhưng lại chẳng thể làm được gì. Có chăng là tôi làm thay những việc đã giao các bạn như giữ đồ lau bảng, giữ khăn trải bàn, sổ đầu bài, trực nhật…

Tôi tự cho đó là những việc làm gương mẫu và giúp ích cho các bạn. Nói là giúp đấy nhưng suy cho cùng cũng vì thành tích, nếu để mắc những lỗi này thì lớp khó mà lấy được cờ luân lưu, lớp trưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Giờ nghĩ lại mới thấy mình trẻ con, giá như ngày ấy tôi quan tâm nhiều hơn, kết nối tinh thần và đoàn kết hoạt động cho lớp nhiều hơn thì chắc không phải tiếc nuối nhiều như bây giờ.

Tôi còn nhớ những lần các bạn hứng chí rủ đi coi nghệ sỹ nổi tiếng quay cải lương ở chùa Hội Sơn, hay những lần rủ ra miền quê Long Thành ăn trái cây. Đó là những hoạt động vô tư hiếm hoi của lớp mà tôi đã không biết tận dụng, tôi đã phớt lờ chỉ vì lo cho thành tích học tập của mình.

Khi quyến luyến chia tay những ngày cuối cấp 2 cũng là lúc tôi biết mình không còn cơ hội nào với lớp nữa. Đa số bạn tiếp tục vào học ở trường cấp 3, tôi thì trúng tuyển vào một trường chuyên của huyện, một số bạn chỉ dừng lại ở tấm bằng tốt nghiệp cấp 2 và chuyển sang học nghề.

Lớp tôi coi như tan rã, tôi bắt đầu cho một hành trình và không khí học tập mới nhưng tôi biết mình cũng vừa mất đi một một điều gí đó rất đỗi thiêng liêng.

15 năm trôi qua, không có lấy một tấm hình kỷ niệm với lớp, không có lấy một ngày kỷ niệm để nhớ và quay về. Tài sản còn lại với tôi bây giờ là những tờ giấy danh sách thu tiền quỹ lớp với những dòng tên ghi chú rằng còn nợ quỹ 200 đồng.

Những quyển giấy nháp để chơi cờ carô khi luyện thi cuối cấp giờ lại trở nên thân thương . Những cuốn sổ liên lạc bạc màu thời gian với bút tích của những thầy cô khiến tôi càng nhớ trường, nhớ lớp hơn bao giờ.

Tôi mong có một ngày được quay về, được hội ngộ các bạn, được làm lại những điều tôi đã vô tình bỏ lỡ và ít ra là để nói: “Các bạn ơi! Cho tôi xin lỗi…”

Đào Văn Hiệp

Ba sẽ không ngăn cản bước chân con đâu

Unknown | 20:17 | 0 nhận xét


Con hứa con sẽ không gục ngã đâu ba. Ba đừng buồn, đừng lo lắng gì, con gái của ba mạnh mẽ lắm, ba tin con chứ? Con chỉ mới bỏ lỡ mất kỳ thi khối A thôi, con vẫn còn khối D cơ mà. Ba đừng lo, ba sẽ không ngăn cản bước chân con đâu.


Hôm trước loáng thoáng nghe được cuộc trò chuyện của anh hai và mẹ. Hình như ba có chuyện gì thì phải? Cảm giác lo sợ ập đến và xâm chiếm lấy tôi. Chờ anh hai gác máy, tôi liền gọi về cho mẹ, giọng pha cả nỗi hoang mang mơ hồ.


Thì ra ba bị ngộ độc thức ăn phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, thật may chuyện đã qua và ba đã khỏe dần.

Mẹ chuyển lời ba khuyên. Thời gian này phải giữ tinh thần thoải mái, sắp thi rồi nên đừng học nhiều quá, và quan trọng nhất là đừng lo lắng về bất kì chuyện gì cả. Tôi cất tiếng “dạ” khi lòng đã bình yên và ấm áp trở lại.

Ngày mai tôi sẽ lên trường làm thủ tục và xem phòng thi. Tôi háo hức lắm. Vậy là sắp được trở thành sinh viên rồi! Tôi luôn tự tin mình sẽ vượt qua kỳ thi một cách dễ dàng, thế nên trái ngược với các thí sinh khác, tôi không hề cảm thấy lo lắng hay hồi hộp.

Màn đêm đã buông xuống từ lúc nào, nhìn những vì sao tỏa sáng mà lòng tôi khoan khoái và dễ chịu lạ thường. Ôi mong ngày mai quá.

Ôi! Ngày mai… và những ngày sau đó…

Chợt tiếng chuông điện thoại vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ đang dâng trào. Là mẹ gọi:

- Con nghe nè mẹ!

Giọng nó ngân nga như một con chim chích đang đùa nghịch dưới nắng mai, rồi im lặng lắng tai nghe lời mẹ nói…

Chuyến xe trở về Dak Lak ngay đêm đó, tôi ngồi ở hàng ghế sau cùng. Những vì sao trên nền trời khi nãy còn lấp lánh, giờ như vụt tắt rơi rụng dần trong lòng.

Tôi sợ rằng mình sẽ ngất đi, không sao kìm được tiếng khóc của mình vì số phận trớ trêu đang đưa tay vô hình và tàn bạo của bóng đêm bóp nghẹt lấy trái tim non trẻ của tôi.

Trái tim ấy cứ vỡ ra từng mảng khi nghĩ đến ba. Tôi lo sợ nó không về kịp, lo sợ rằng mình sẽ mất ba mãi mãi.

Những kỷ niệm giữa hai ba con, nhưng giây phút êm đẹp, ấm áp của cả nhà mà khi trước, mỗi khi nhớ lại là lòng nó rộn ràng, vui vẻ bao nhiêu, hạnh phúc bao nhiêu thì giờ đây, tôi lại càng lo lắng bấy nhiêu, những điều ấy sẽ chỉ là quá khứ sao?

Ba nằm đó - tiều tụy, thân thể, thân thể ba gầy sọp hẳn đi, hai má và hốc mắt cứ hõm dần vô, xanh xao và mệt mỏi.

- Ba! Ba ơi…

Tiếng gọi của tôi như xé toang đi cái không khí nặng nề lúc này và càng khắc sâu hơn nỗi đau trong lòng những người đứng đó.

Tôi đã chạy đua với thời gian để có thể nhìn thấy ba, có thể nghe ba nói lần cuối cùng.

Và ở nơi đây, ngay trong căn nhà nhỏ ấm áp của nó, ba lại đang níu kéo lấy thời gian, chiếc bình ôxi có thể vô tác dụng bất cứ lúc nào.

Nhịp tim ba yếu dần, yếu dần, và đôi tay thô ráp, đầy những vết chai sạn, đôi tay lam lũ đã nuôi anh em nó khôn lớn, giờ đang bất động.

Tôi lao đến ôm chầm lấy ba, lời tôi nói đã không còn nghe rõ tiếng, bởi những tiếng nấc nghẹn ngào.

Ba từ từ hé mắt, ba cố gắng để nhìn thấy đứa con gái bé bỏng của mình, ba muốn nói gì đó, nhưng không thể. Ba đã không thể chống chọi được nữa rồi. Bất lực - đó là điều đang diễn ra, với ba tôi đang nằm trên giường bệnh, với cả gia đình nó lúc này.

Và rồi, thần chết đã lạnh lùng vung lưỡi hái tử thần cướp mất ba đi ngay lúc ấy!

Mẹ và anh trai đổ quỵ xuống bên ba, tôi không thể chấp nhận ba ra đi, để lại mẹ con tôi trong căn nhà này. Tôi siết chặt thêm vòng tay của mình, ôm lấy thân hình gầy gò của ba, tôi muốn dùng hơi ấm từ trái tim và nước nắt để níu kéo linh hồn ba, để linh hồn kia không bị lưỡi hái tử thần cuốn khỏi thân xác

Nhưng, vẫn chỉ là hai từ bất lực! Ngày hôm nay, ngày mà bạn bè làm thủ tục để dự thi đại học, ngày có thể bước đến ước mơ sinh viên của tất cả những học sinh đã tốt nghiệp cấp 3, cũng là ngày mất ba mãi mãi.

Còn đâu bóng dáng ba cõng tôi lên trường năm lên sáu.

Còn đâu tấm lưng có thấm đẫm mồ hôi và đôi mắt đỏ hóc vì bụi vì nắng gió…

Còn đâu những phút giây cả gia đình bên nhau ấm áp, rộn ràng tiếng cười…

Một sự mất mát quá lớn, không gì bù đắp được.

Tất cả những điều ấy giờ chỉ còn là kỷ niệm, khi mà tất cả đã gói gọn trong hai hai từ “kỷ niệm” thì làm sao có thể quay lại một lần nữa…

Sau khi thắp xong nén nhang lên bàn thờ, mẹ đưa cho tôi một lá thư. Khẽ ngẩng khuôn mặt đang nhạt nhoà nước mắt, tôi càng quặn lòng. Mẹ đã tiều tụy đi nhiều. Tôi biết, mẹ và anh hai đang cố gắng mạnh mẽ, chôn giấu nỗi đau vào tận cùng trái tim để làm chỗ dựa cho tôi. Hai tay run run, tôi đón lấy di thư của ba ….

“Con gái à

Lần đầu tiên ba viết thư cho con, con nhỉ? Có lẽ vì chưa bao giờ ba con ta phải xa nhau, và cũng vì chưa bao giờ như lúc này, ba sợ rằng ba sẽ không thể nói với con những lời muốn nói. Ba đành mượn tạm những dòng chữ này, để nhắn nhủ tới con gái thân thương của ba.

Lúc đưa con lên xe, ba đã ôm con thật chặt, ba đã muốn giây phút đó tồn tại mãi mãi, để ba có thể ở bên con. Nhưng con à, số phận là điều không thể thay đổi được cho dù nó có tàn nhẫn thì ba con ta cũng phải chấp nhận.

Con à!

Thật sự lúc này đây, ba đang cảm thấy có lỗi lắm, khi mà ba đã không thể hoàn thành trách nhiệm của một người cha. Ba không thể bên con, làm chỗ dựa cho con khi con chập chững bước vào vòng đời có quá nhiều cám dỗ này. Ba sợ lắm, ba sợ khi còn gục ngã, cần có bàn tay nâng con đứng dậy để bước tiếp, thì ba không thể giúp được gì, ba không thể đưa tay ra để truyền cho con sức mạnh.

Hôm nay là ngày 1/7, ba biết ngày kia con sẽ lên trường làm thủ tục dự thi, ba không biết có thể chờ con hoàn thành kỳ thi của mình hay không. Tất cả trong ba giờ chỉ là nỗi sợ .


Ba sợ rằng chính ba sẽ là người ngăn cản bước chân con đến với ước mơ và hoài bão của con. Nếu điều ấy thật sự xảy ra thì ba không thể yên lòng mà ra đi được, con gái à…

Chính vì thế mà ba đã không cho mẹ và anh hai nói thật với con, ba muốn nếu không thể cùng con bước tiếp thì sẽ để con tự tung bay trên đôi cánh của mình. Con hiểu lòng người cha này chứ?

Ba mong rằng, con gái ba sẽ mạnh mẽ, đừng gục ngã vì ba, có được không con?

Ba không còn, con hãy yêu thương mẹ và anh hai phần ba luôn con nhé…

Ba yêu mẹ và các con, ba xin lỗi vì ra đi quá sớm, ba xin lỗi vì ba đã làm cho những người ba yêu thương đau lòng.

Nhưng con à, dù thế nào thì ba cũng sẽ luôn theo dõi theo mẹ và hai con, ở thế giới bên kia, ba sẽ luôn cầu chúc cho các con của ba trưởng thành, con gái bé bỏng của ba, con hãy cố gắng lên con nhé…

Ba của con…”


Trang thư của ba giờ đã thấm đẫm nước mắt, nhìn nét chữ xiêu vẹo, tôi biết ba đã dồn hết sức lực để viết lá thư này.

“Ba à! Con hứa, con hứa con sẽ không gục ngã đâu ba. Ba đừng buồn, đừng buồn… đừng lo lắng gì, con gái của ba mạnh mẽ lắm, sẽ không làm ba thất vọng đâu, ba tin con chứ? Con chỉ mới bỏ lỡ mất kỳ thi khối A thôi, con vẫn còn khối D cơ mà, ba dừng lo, ba sẽ không ngăn cản bước chân con đâu…

Ba à, con mong rằng, ba sẽ mỉm cười nơi bên kia thế giới, vì con, vì mẹ và anh hai, ba hãy thanh thản mà yên nghỉ, ba nhé…”

Tôi nói với ba qua màng khói mỏng, những lời nói xuất phát từ tận đáy lòng, tôi không thể làm ba thất vọng…

Ngoài kia, nắng đã ửng vàng sau cơn mùa hạ, có chiếc cầu vồng bảy sắc xuất phát hiện giữa không trung, như nối liền quá khứ với tại, như kết dính hiện tại và tương lai, và chiếc cầu ấy như tâm hồn yêu thương của một gia đình!

Ngô Quốc Khánh
previous Next home
 
Diễn đàn | Điều khoản | Liên hệ | Sitemap
Copyright © 2012. quynh chau - Vui lòng ghi rõ thông tin khi chia sẻ từ trang này
Website hiển thị tốt nhất trên trình duyệt FireFox và Google Chrome
Phát triển bởi son
TOP